Tạo sự chuyển biến trong chăn nuôi bò từ thụ tinh nhân tạo

Phát triển chăn nuôi bò là một trong những hướng đi quan trọng trong nông nghiệp ở huyện vùng cao Quản Bạ. Là huyện đứng đầu toàn tỉnh trong việc áp dụng biện pháp kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) cho đàn bò, từ đó tạo sự chuyển biến lớn trong chăn nuôi, giúp giá trị đàn bò tăng lên trên 20%, nhiều hộ thoát nghèo nhờ chăn nuôi.

Đàn bò của anh Nguyễn Đức Tuân, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Đàn bò của anh Nguyễn Đức Tuân, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ).

Chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa là một trong 6 sản phẩm chủ lực thuộc Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, Quản Bạ đã có nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò tại địa phương. Trong đó, xác định công tác TTNT là hướng đi chính trong phát triển chăn nuôi, tăng đàn và cải tạo đàn bò, giúp người nông dân phát triển kinh tế. Huyện đã giao chỉ tiêu gắn với nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở; lựa chọn lao động để đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên; thực hiện đúng, đủ chế độ cho các dẫn tinh viên. Qua đó, tổng đàn bò tăng khoảng 5%/năm; trên địa bàn huyện có 1 hợp tác xã chăn nuôi, kinh doanh gia súc; 8 gia trại có quy mô chăn nuôi từ 15 con trở lên; 13 xã, thị trấn đều có dẫn tinh viên đã qua đào tạo, tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức.

Gia đình bà Dương Thị Nghiêm, thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn là hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sinh sản. Trước đây, mỗi khi bò đến thời điểm sinh sản, gia đình để bò sinh sản theo phương pháp truyền thống, bê con sinh ra còi cọc, chậm lớn, tầm vóc nhỏ bé, chỉ bán được với giá 6 – 7 triệu đồng.

Từ năm 2015, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y, gia đình bà đã ứng dụng lai giống cho đàn bò bằng phương pháp TTNT, đồng thời sử dụng thức ăn hỗn hợp để chăm sóc bò cái mang thai. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe hơn khoảng 20 – 25% so với bò địa phương. Vào thời điểm được giá, bê con của gia đình bán được với giá khoảng 20 triệu đồng/con.

Anh Nguyễn Đức Tuân, dẫn tinh viên của thôn Bảo An, thị trấn Tam Sơn, chia sẻ: “Việc TTNT cho đàn bò được thực hiện từ năm 2012. Trước đây, các hộ chăn nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông, bò tự phối giống, nhiều khi xảy ra tình trạng cận huyết, nên bê con sinh ra thấp, bé, nhiều bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi. Đến nay, các hộ chăn nuôi đều nhận thấy lợi ích của phương pháp TTNT và áp dụng cho đàn bò. Toàn thôn có khoảng 90 hộ chăn nuôi bò đều dùng phương pháp TTNT cho hiệu quả cao, việc TTNT thành công đến 80% do người dân đã nắm được đúng thời điểm phối giống”.

Đánh giá về hiệu quả của công tác TTNT trong chăn nuôi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quản Bạ Hoàng Thị Thơm Hương cho biết: “Trong 5 năm qua, huyện đã phối giống được trên 4.000 lượt, tỷ lệ thành công đạt trên 70%. Từ đầu năm đến nay đã phối giống được trên 570 con, thành công 402 con. Trong năm 2020, chúng tôi dự kiến phối giống trên 1.400 lượt, tỷ lệ thành công đạt trên 70%. Để khuyến khích việc TTNT cho đàn bò, huyện đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn người chăn nuôi cách phát hiện động dục ở bò, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh chuồng nuôi... đồng thời mở các lớp đào tạo dẫn tinh viên. UBND huyện cũng quan tâm bố trí nguồn kinh phí để xây dựng Trạm Truyền tinh nhân tạo; sửa chữa, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác TTNT do Trạm Khuyến nông huyện quản lý”.

Nhiều năm qua, việc TTNT cho đàn bò đã giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong chăn nuôi, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bài, ảnh: Lê Hải

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202009/tao-su-chuyen-bien-trong-chan-nuoi-bo-tu-thu-tinh-nhan-tao-765563/