Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Xác định sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí của chính quyền các cấp, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập theo đúng lộ trình đề ra.

Sáp nhập nguyên trạng diện tích, dân số xã Vĩnh Hiền với Vĩnh Thành thành đơn vị hành chính mới Hiền Thành

Quảng Trị hiện có 141 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn, gồm có: 117 xã, 13 phường và 11 thị trấn, trong đó có 32 đơn vị (29 xã, 1 phường, 2 thị trấn) chưa đạt về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định nên thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Kì họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VII vừa thông qua đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh Quảng Trị. Theo đó, từ nay đến năm 2021 tỉnh phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với 23 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; còn lại 9 xã, thị trấn thuộc diện phải sáp nhập, sắp xếp nhưng chưa thực hiện trong giai đoạn này do những yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển KT-XH.

Cụ thể, ở huyện Hải Lăng sáp nhập 7 xã và 1 thị trấn thành 4 đơn vị hành chính mới gồm: thị trấn Diên Sanh (sáp nhập xã Hải Thọ và thị trấn Hải Lăng), xã Hải Hưng (sáp nhập xã Hải Xuân và xã Hải Vĩnh), xã Hải Định (sáp nhập xã Hải Thiện và xã Hải Thành), xã Hải Phong (sáp nhập xã Hải Tân và xã Hải Hòa). Ở huyện Gio Linh, sáp nhập 8 xã thành 5 đơn vị hành chính mới gồm: xã Linh Trường (sáp nhập xã Vĩnh Trường và xã Linh Thượng); xã Gio Sơn (sáp nhập xã Gio Hòa và xã Gio Sơn); xã Phong Bình (sáp nhập xã Gio Bình và xã Gio Phong); sáp nhập 2 thôn Nhĩ Trung, Nhĩ Hạ, (xã Gio Thành) vào xã Gio Hải; sáp nhập thôn Tân Minh (xã Gio Thành) vào xã Gio Mai. Ở huyện Vĩnh Linh sáp nhập 7 xã, 1 thị trấn thành 4 đơn vị hành chính mới gồm: thị trấn Cửa Tùng (sáp nhập xã Vĩnh Tân và thị trấn Cửa Tùng); xã Kim Thạch (sáp nhập xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch); xã Trung Nam (sáp nhập xã Vĩnh Trung và xã Vĩnh Nam); xã Hiền Thành (sáp nhập xã Vĩnh Hiền và xã Vĩnh Thành). Ở huyện Triệu Phong sáp nhập xã Triệu Thành với xã Triệu Đông thành lập xã Triệu Thành.

Ở huyện Cam Lộ sáp nhập xã Cam Thanh và xã Cam An thành lập xã Thanh An. Ở huyện Hướng Hóa sáp nhập xã A Túc và xã A Xing thành lập xã Lìa. Riêng huyện Đakrông có xã Hải Phúc thuộc diện khuyến khích sắp xếp do có tiêu chuẩn diện tích tự nhiên đạt 168% nhưng dân số quá ít chỉ đạt 11,56%, vì vậy, khuyến khích sáp nhập vào xã Ba Lòng thành lập đơn vị hành chính mới xã Ba Lòng. Như vậy, sau khi thực hiện sắp xếp toàn tỉnh còn 101 xã, giảm 16 xã so với hiện trạng.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 37-NQ/ TW hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn gắn liền với thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Sau khi sáp nhập, các địa phương sẽ tăng quy mô về diện tích tự nhiên và dân số, thuận lợi cho việc hoạch định các định hướng phát triển KT-XH, tập trung nguồn lực cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lí nhà nước và tổ chức các phong trào ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cũng làm nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức ở cơ sở do đây là vấn đề lớn, nhạy cảm tác động đến tâm lí của cán bộ, công chức vì phải sắp xếp lại vị trí công việc khiến nhiều người bị dôi dư. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận nhân dân cũng bị ảnh hưởng do lối sống, tập quán sản xuất, sinh hoạt và truyền thống văn hóa làng xã khiến nhiều người lo lắng về việc đặt tên xã mới, sử dụng các thiết chế văn hóa, giáo dục… sau khi sáp nhập. Mỗi địa phương đều có nét văn hóa, sinh hoạt riêng, nhất là tên các đơn vị hành chính thường gắn bó chặt chẽ với các yếu tố đặc điểm, điều kiện địa lí tự nhiên có từ trước. Vì vậy, việc đặt tên xã sau khi sáp nhập phải phát huy được các yếu tố tích cực của địa danh. Tên các xã vừa phản ánh kế thừa lịch sử văn hóa, vừa mang tính chất cách mạng.

Chính vì quan niệm này, ở một số địa phương người dân không thống nhất với tên gọi của đơn vị hành chính mới sau sáp nhập như: ở xã Vĩnh Kim và Vĩnh Thạch người dân không đồng ý tên gọi xã mới là xã Kim Thạch hay người dân xã Vĩnh Trung và Vĩnh Nam không đồng ý tên gọi xã mới là xã Trung Nam… Trước tình hình này, huyện Vĩnh Linh đã họp cán bộ chủ chốt của những xã trên để tham vấn việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới. Sau khi có sự nhất trí cao của cán bộ các địa phương trên về hai tên gọi mới là Kim Thạch và Trung Nam, HĐND huyện Vĩnh Linh đã biểu quyết thống nhất cao việc đặt tên hai đơn vị hành chính mới nói trên. Tuy vậy, để tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, giải thích để cán bộ, nhân dân hiểu, thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sắp xếp, sáp nhập các xã cũng như việc tổ chức, hoạt động đơn vị hành chính mới sau này.

Những khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn địa phương khi tiến hành sáp nhập là điều tất yếu, được dự báo từ trước. Vì vậy, tại kì họp thứ 11 HĐND tỉnh để xem xét và quyết định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đúng đắn nhưng đây là việc khó, thách thức lớn nên phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết về sắp xếp, sáp nhập trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện ở cấp cơ sở. Vì vậy, cần hết sức chú trọng và làm tốt công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục nhằm tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã lần này, tỉnh Quảng Trị tính toán thận trọng, cụ thể, khoa học và có lộ trình, bước đi thích hợp để đảm bảo tính bền vững, tránh việc sáp nhập không hiệu quả, gây mất ổn định, lãng phí, làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=143260