Tạo sự đồng thuận, tin tưởng, thống nhất về ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc có 13 Đảng bộ trực thuộc với hơn 70.000 đảng viên. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, xuyên suốt đối với công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt nghị quyết, chỉ thị để cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh đều giữ vững bản lĩnh chính trị, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tạo sự thống nhất về ý chí, hành động của cả hệ thống chính trị.

Đánh giá về những kết quả đạt được cho thấy, trên cơ sở các nhiệm vụ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó xác định những nhiệm vụ làm ngay và làm thường xuyên, các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình, đó là: Nâng cao nhận thức trong các cấp ủy, cơ quan đơn vị về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cuộc sống...

Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Kịp thời xây dựng biểu mẫu và triển khai quy định hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm nêu gương. Cụ thể hóa Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị nghiêm túc, quyết liệt, đã mở rộng đối tượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình đến tập thể, cá nhân các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần tăng cường sự lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng hướng dẫn, kế hoạch kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với các tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, sử dụng, cơ quan thanh, kiểm tra, giám sát; trách nhiệm của tập thể, của cá nhân và người đứng đầu trong đánh giá, xếp loại cán bộ.

Xây dựng hệ thống thang điểm theo các tiêu chí quy định và thực hiện quy trình nghiêm túc trong bình chọn cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh giá thực chất theo đúng quy định của Trung ương.

Đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, thực thi nhiệm vụ không nghiêm, hiệu quả kém, có biểu hiện suy thoái, đều được cấp trên gợi ý kiểm điểm, yêu cầu báo cáo, giải trình và trực tiếp dự, chỉ đạo.

Trong chỉ đạo kiểm điểm tự phê bình và phê bình, thành lập các đoàn công tác do các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm trưởng đoàn chỉ đạo kiểm điểm tại các Đảng bộ, tổ chức đảng trực thuộc để nâng cao chất lượng kiểm điểm; mở rộng việc kiểm điểm đến tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ các cấp; chỉ tập trung làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, đề xuất giải pháp khắc phục và cá nhân cam kết không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy các cấp phải chịu trách nhiệm chính về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện tại cơ quan, đơn vị, lấy kết quả thực hiện nghị quyết là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá cán bộ. Kịp thời cụ thể hóa và triển khai thực hiện Quy định số 11 của Ban Bí thư về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Chương trình công tác kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy không trùng lặp về nội dung, đối tượng với kế hoạch thanh tra của Nhà nước và Chương trình giám sát của HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm được dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm.

Với phương châm không ngại va chạm, không có “vùng cấm”, Ban thường vụ cấp ủy các cấp đã chỉ đạo UBKT cấp ủy rà soát, kiểm tra, xử lý một số vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo kiểm tra, làm rõ những vấn đề bức xúc được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân quan tâm phản ánh; thông tin phản ánh của báo chí về những biểu hiện sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy mạnh dạn và kiên quyết thay thế, điều động, cho thôi chức vụ đối với cán bộ có tín nhiệm thấp hoặc không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Để nâng cao chất lượng cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đồng chí được bổ nhiệm viết cam kết cá nhân, trong đó có đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện khi được bổ nhiệm; lấy kết quả thực hiện sau 1 năm của cán bộ được bổ nhiệm để xem xét, quyết định.

Với những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nêu cao tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Luôn có ý thức giữ gìn bản lĩnh chính trị, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chỉ thị số 05 đã thực sự lan tỏa tích cực trong toàn bộ đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên; tác động tích cực đến sự phát triển của mỗi ngành, địa phương mà quan trọng hơn là sự chuyển biến rõ rệt trong vai trò nêu gương, tác phong của người đứng đầu các cấp, các ngành; tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật được nâng lên rõ rệt...

Từ đó, góp phần giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; từng bước tạo sự đồng thuận, tin tưởng, sự thống nhất về ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 một cách sâu rộng, bài bản đã trở thành giải pháp hiệu quả để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ cũng như các quy định về nêu gương của Trung ương và của tỉnh.

Các mô hình hay, cách làm sáng tạo tiếp tục được duy trì và phát huy; những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, thuyết phục, có sức lan tỏa, tiêu biểu như: Mô hình “Trường học gắn kết cộng đồng” của thầy giáo Lê Huy Minh; mô hình “Trao yêu thương lấy nụ cười” qua bếp ăn tình thương, từ thiện vào sáng thứ 4 hằng tuần của chị Nguyễn Thị Thận, thôn Yên Thạch, xã Đồng Thịnh...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, tiếp tục kiên quyết, kiên trì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vì vậy, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tăng cường tính nêu gương về phẩm chất đạo đức, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc...

Bạch Dương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xay-dung-dang/73282/tao-su-dong-thuan-tin-tuong-thong-nhat-ve-y-chi-hanh-dong-cua-ca-he-thong-chinh-tri.html