Tạo sự đột phá về phát triển kinh tế cửa khẩu
Việc mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Lào Cai.
Ngày 14/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ -TTg về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Quy hoạch này, tỉnh Lào Cai sẽ được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.
Đây là quyết định rất quan trọng, phù hợp với chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu.
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua tháng 1/2023; Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2023. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch cửa khẩu chi tiết nên chưa đủ cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thủ tục, trình tự mở, nâng cấp các cửa khẩu.
Chính vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết địnhphê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, xác định cụ thể các định hướng, giải pháp quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, trong thời gian dài, việc 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) chưa được mở, nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế là điểm nghẽn về chính sách đối với phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu.
Quyết định số 1199/QĐ -TTg về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mở, nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế thời kỳ 2021 - 2030 sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn khi tiến hành xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần tăng tính cạnh tranh, đa dạng chủng loại hàng hóa xuất - nhập khẩu, đặc biệt với cửa khẩu Bản Vược.
Tại khu vực Pả Sa (Hà Khẩu), Trung Quốc đã có những chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, như hoàn thiện quy hoạch chung khu vực cửa khẩu Pả Sa và các khu vực phụ trợ, cơ chế, chính sách thu hút hàng hóa xuất - nhập khẩu.
Giải quyết thủ tục xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu Mường Khương.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1199/QĐ -TTg ngày 14/10/2023, theo Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Vương Trinh Quốc, cần tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, rà soát, tích hợp nội dung quy hoạch cửa khẩu vào các quy hoạch liên quan của địa phương để tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch các cấp, như quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Chủ động về định hướng, chính sách để khai thác tối đa lợi thế của từng cặp cửa khẩu. Với cửa khẩu Bản Vược, chủ yếu là hàng hóa từ Trung Quốc, nước thứ 3 ra cảng Hải Phòng. Với cửa khẩu Mường Khương, các mặt hàng chủ lực sẽ là nông sản địa phương, gắn với khai thác tiềm năng về du lịch.
Tỉnh cần đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 30 triệu tấn hàng hóa/năm.
Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1199/QĐ - TTg. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh sẽ chủ động trao đổi với cơ quan quản lý cửa khẩu Trung Quốc để tham mưu cho tỉnh xây dựng nhanh nhất, sớm nhất kế hoạch thực hiện, xứng tầm là trung tâm, cực tăng trưởng trong khu vực.
Cùng với các giải pháp trên, việc kiến nghị Trung ương có những cơ chế đặc thù, bố trí nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối là rất cần thiết. Ông Vương Trinh Quốc khẳng định: Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai là 1 trong 3 Khu Kinh tế cửa khẩu trọng điểm trên đất liền tuyến biên giới Việt - Trung, được tập trung ưu tiên đầu tư để thực hiện liên kết vùng. Việc mở, nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương trên địa bàn tỉnh cũng chính là thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Do vậy, với Cửa khẩu Bản Vược, đề nghị Trung ương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện các bước để tiến hành khởi công xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng tại Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Trung Quốc); việc xây dựng cửa khẩu thông minh tại Bản Vược cần có sự chỉ đạo của Chính phủ và sự triển khai quyết liệt của các bộ, ngành trung ương. Việc triển khai xây dựng cầu đường bộ bắc qua sông Hồng, thủ tục mở cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh đòi hợp sự hợp tác chặt chẽ với phía Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Việc xây dựng chính sách thu hút hàng hóa xuất – nhập khẩu cũng cần có sự phối hợp, đảm bảo tương đồng, phù hợp với thực tế mỗi bên.
Đối với Cửa khẩu Mường Khương, hạ tầng khu vực cửa khẩu được quy hoạch có diện tích khoảng 2 ha nên cần nghiên cứu mở rộng, đáp ứng nhu cầu xuất – nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cần cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông từ Cửa khẩu Mường Khương kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Cảng Hàng không Sa Pa, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và hoạt động xuất – nhập khẩu.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tao-su-dot-pha-ve-phat-trien-kinh-te-cua-khau-post374966.html