Tạo sự thống nhất việc thu, chi các khoản dịch vụ trong trường học

Năm học 2019 - 2020 vừa kết thúc, trước thềm năm học 2020 - 2021, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, thì các khoản đóng góp trong nhà trường cũng là vấn đề được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm.

 Một hoạt động giáo dục kỹ năng ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Đông Giang, thành phố Đông Hà. Ảnh: HT

Một hoạt động giáo dục kỹ năng ngoài giờ lên lớp tại Trường Tiểu học Đông Giang, thành phố Đông Hà. Ảnh: HT

Để phục vụ cho việc thẩm tra tờ trình về quy định mức thu, chi học phí, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức các chuyến khảo sát, làm việc với nhiều trường học tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh sự đồng thuận của đa số giáo viên, phụ huynh về mức thu học phí theo quy định hiện hành và mức thu học phí dự kiến sẽ thay đổi trong những năm học tiếp theo, vấn đề nổi cộm, được các thầy, cô giáo và đại diện hội cha mẹ học sinh tại các điểm khảo sát quan tâm đó là cần phải có một hành lang pháp lý, quy định rõ mức thu các khoản thu dịch vụ tại các cơ sở giáo dục công lập để tạo cơ sở giúp nhà trường và phụ huynh thống nhất triển khai việc thu, nộp các khoản phí hợp lý, minh bạch, tránh hiện tượng “lạm thu” trong các trường học.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương, những năm qua, tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài khoản thu học phí được quy định tại Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh thì đã phát sinh thêm các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trên cơ sở thỏa thuận giữa các nhà trường với phụ huynh học sinh nên mức thu của các cơ sở giáo dục công lập không thống nhất; nhiều nội dung chi, mức chi chưa phù hợp gây khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời tạo dư luận không tốt trong việc thực hiện các khoản thu trong nhà trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục công lập mặc dù có đủ điều kiện để tổ chức các dịch vụ giáo dục, phụ huynh học sinh mong muốn con em mình được tham gia một số hoạt động như học môn tự chọn, tham quan trải nghiệm, học kỹ năng sống… nhưng không có hành lang pháp lý nên các cơ sở giáo dục không thể triển khai. Mặt khác, Nghị quyết số 31/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã được áp dụng từ năm học 2017 - 2018 đến nay vẫn chưa có sự điều chỉnh để phù hợp với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm. Chính vì vậy, thực tiễn đặt ra việc cần phải có một hành lang pháp lý quy định cụ thể mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập nhằm tạo sự thống nhất, công bằng giữa các trường học và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của phụ huynh và học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Gio Sơn, huyện Gio Linh Lê Thị Thúy Hồng cho biết, năm học 2019-2020, nhà trường có 458 học sinh và 32 cán bộ, giáo viên. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mức thu đầu năm được nhà trường công khai, minh bạch đến các bậc phụ huynh. Quy trình thực hiện thu, sử dụng các khoản thu thỏa thuận phục vụ cho học sinh được thực hiện theo các bước như căn cứ tình hình thực tế của nhà trường, nhu cầu học sinh, nhà trường xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi để làm cơ sở xây dựng mức thu phù hợp; tổ chức họp để thống nhất, công khai trong lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn thể và ban đại diện cha mẹ học sinh, về mục đích, mức thu, nội dung thu các khoản thu. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy định cụ thể mức thu các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập nên việc triển khai thu, nộp đầu mỗi năm học còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi chưa tạo được sự thống nhất, đồng tình giữa nhà trường và các bậc phụ huynh. Qua nghiên cứu dự thảo nghị quyết quy định khung học phí, các khoản dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021, nhà trường cơ bản đồng tình và mong muốn nghị quyết sớm được HĐND tỉnh thông qua để tạo cơ sở pháp lý, “gỡ khó” cho nhà trường trong việc thực hiện việc thu, chi bảo đảm đúng quy định, tạo sự đồng thuận giữa phụ huynh và nhà trường.

Để thực hiện thống nhất nội dung mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Luật Giáo dục năm 2019 và theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xây dựng đề án, trình UBND tỉnh xem xét, bước đầu hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định mức thu, chi học phí, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nội dung của dự thảo nghị quyết đã quy định rõ đối tượng và địa bàn áp dụng, mức thu học phí cụ thể đối với các cơ sở giáo dục công lập; đặc biệt, điểm mới của dự thảo nghị quyết là đã quy định rõ các khoản thu dịch vụ tại các trường học cũng như các khoản thu hỗ trợ giáo dục để tạo cơ sở pháp lý giúp các đơn vị trường học có thể áp dụng một cách minh bạch, chính xác; tạo sự tin tưởng cho phụ huynh và học sinh.

Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Hồ Quốc Hương cho biết: “Thông qua các buổi khảo sát và thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, ban giám hiệu, đại diện hội cha mẹ học sinh của các trường học trên địa bàn tỉnh về dự thảo nghị quyết quy định mức thu, chi học phí, các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập sẽ giúp Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá được thực trạng thu, chi học phí, đặc biệt là các khoản thu dịch vụ của trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đó sẽ tổng hợp, bổ sung và hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp tới nhằm tạo hành lang pháp lý, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh trong những năm học tiếp theo”.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150126