Tạo sự thuận tiện cho người dân

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) thời gian qua, việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.

Thí điểm cấp phiếu lý tịch tư pháp cho Phòng Tư pháp cấp huyện:

Công dân thực hiện yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương

Công dân thực hiện yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TP Hà Nội. Ảnh: Bạch Dương

Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 13 năm thi hành, Luật LLTP đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và nhu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác LLTP cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt là trong hoạt động cấp phiếu LLTP. Trong đó, tình trạng chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP tại một số địa phương vẫn còn tại một số địa phương, trung bình hàng năm trên toàn quốc có khoảng 2% trường hợp bị trễ hạn.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương trong một số thời điểm có tình trạng người dân phải xếp hàng chờ đợi nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, gây ùn ứ, ách tắc trong việc tiếp nhận hồ sơ, gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc cấp Phiếu LLTP qua hình thức trực tuyến chưa được thực hiện hiệu quả, đa số trường hợp người dân vẫn phải đến trực tiếp hoặc thực hiện qua bưu chính.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An là 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP lớn nhất cả nước. Từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm TP Hà Nội cấp khoảng 74.158 phiếu LLTP, TP Hồ Chí Minh cấp khoảng 95.980 Phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp khoảng 57.014 Phiếu LLTP. Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu LLTP thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số... Trong đó việc phân cấp thẩm quyền cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.

Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định đề nghị xây dựng Nghị Quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Nghệ An vừa được Bộ Tư pháp tổ chức, đại diện Ban Dân chủ Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh về việc lựa chọn địa phương thí điểm cần phải lấy sự thuận tiện của người dân làm trung tâm việc triển khai; các địa phương được lựa chọn thí điểm đảm bảo tính đại diện; cần xây dựng các tiêu chí, nguyên tắc cụ thể để lựa chọn thí điểm. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt nguồn lực để triển khai thí điểm hiệu quả.

Theo đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tại các địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm; trong quá trình triển khai cần chú trọng công tác kiểm tra để phòng, tránh vi phạm; chú trọng công tác phân cấp với các nhiệm vụ cụ thể…

Đại diện Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề nghị xem xét, cân nhắc bổ sung người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam vào đối tượng được Phòng Tư pháp cấp huyện cấp Phiếu LLTP để đảm bảo thống nhất với dự thảo tờ trình.

Theo Bộ Tư pháp, đề xuất thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm, sử dụng nguồn nhân lực sẵn có của Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn 3 địa phương này, chỉ bổ sung khi thật sự cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Hà Nội, hiện nay, biên chế làm việc tại các Phòng Tư pháp trên địa bàn TP dao động từ 4 - 6 công chức. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản được bố trí đầy đủ máy tính, máy in, máy scan… kết nối Internet để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ. TP kiến nghị thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện trên tất cả các quận, huyện, thị xã.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tao-su-thuan-tien-cho-nguoi-dan-372050.html