Tạo sức bật cho các hợp tác xã nông nghiệp
Bài 2: Bảo đảm phát triển hiệu quả, vững chắc
Kinh tế tập thể có nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã (HTX) hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi… Thực tiễn tại nhiều địa phương phía nam cũng đã chỉ rõ: Để bảo đảm sự phát triển hiệu quả, vững chắc, phải hướng tới mô hình HTX thực chất, có đông thành viên, có nhiều dịch vụ để có thể cung cấp đầu vào, lo được đầu ra.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để HTX tiến tới hội nhập và phát triển bền vững, cần tập trung nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất của HTX và hợp nhất các HTX cùng lĩnh vực trên địa bàn để tập trung nguồn lực...
Liên kết cùng phát triển
Sau 5 năm thành lập, HTX nông nghiệp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre có 571 thành viên tại 12 xã của hai huyện Châu Thành và Chợ Lách. Năm 2022, HTX đưa vào hoạt động khu phức hợp đa chức năng gồm bốn hạng mục với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Tổ chức SOCODEVI của Chính phủ Canada tài trợ thông qua dự án phát triển HTX Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre Nguyễn Quốc Bảo cho biết, HTX đã liên kết với một HTX thành viên để xây dựng vùng nguyên liệu bưởi da xanh với diện tích 110 ha. Hiện, HTX cung ứng dịch vụ đầu vào là phân bón; đầu ra mua bưởi của thành viên với số lượng từ 30 đến 35 tấn mỗi tháng để tiêu thụ tại các siêu thị, chế biến nước ép... HTX có 37 ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và 14,7 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. HTX cũng xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với bưởi da xanh để chuẩn bị xuất sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Phía bên này sông Tiền, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) được thành lập cuối năm 2017 với ngành nghề chủ yếu là sản xuất dưa lưới trong nhà màng, kinh doanh các loại trái cây, cung ứng vật tư nông nghiệp... Năm 2018, doanh thu của HTX đạt 5 tỷ đồng, năm 2019 đạt 9 tỷ đồng, năm 2020 đạt 20 tỷ đồng và năm 2021 đạt 32 tỷ đồng.
Phó Giám đốc HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong Phan Thanh Phú cho biết: "Sản phẩm của HTX trước khi đưa ra tiêu thụ đều ghi rõ địa chỉ. Chúng tôi hợp đồng với một số siêu thị trong việc bán sản phẩm loại 1 cho thành viên, các loại còn lại được đưa qua hệ thống các chợ đầu mối. Nhờ vậy, tất cả sản phẩm do thành viên làm ra đều được tiêu thụ hết với giá cao hơn thị trường 1.000-3.000 đồng/kg".
Anh Phan Thanh Phú cho biết thêm, nhu cầu của đối tác lớn, HTX mạnh dạn ký nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm với số lượng vừa phải. Sau đó, HTX liên hệ, hợp tác với các HTX trong và ngoài tỉnh Tiền Giang có sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của đối tác, bảo đảm chất lượng. Nhờ đó, sự liên kết cùng có lợi này ngày càng chặt chẽ hơn.
Tại Bình Phước, HTX nông nghiệp Phước Hưng ở xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài thành lập từ năm 2014 với 134 thành viên, chuyên trồng điều sạch trên diện tích gần 800 ha. Toàn bộ diện tích điều của HTX được chứng nhận mang nhãn hiệu thương mại quốc tế FLO. Nhờ đó, trong những năm qua, HTX đã liên kết, tiêu thụ hàng chục nghìn tấn điều nguyên liệu với giá cao hơn thị trường từ 1.000 đến 5.000 đồng cho mỗi kilogam. Hiện, HTX tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu điều đạt tiêu chuẩn ORNIC và FARTRADE. Đến nay, HTX đã được ủy thác có hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ hạt điều nhân với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan…
Năm 2016, HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) được thành lập chuyên cung ứng giống, vật tư và tiêu thụ sản phẩm măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX Hùng Ky cho biết, khi đó, HTX có 13 thành viên, vốn điều lệ thực góp là 200 triệu đồng, vốn lưu động 800 triệu đồng. Ban đầu, HTX trồng 10 ha giống măng tây xanh Anticus, nay nhân rộng hơn 36 ha trồng các giống Amajus, Sunlim, doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, HTX tăng lên 64 thành viên.
Tại Bình Thuận, HTX thanh long sạch Hòa Lệ ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc được thành lập từ năm 2017 với 12 thành viên, diện tích thanh long 35 ha. Từ năm 2018, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với 5 HTX mới thành lập trong huyện và các nông hộ trong vùng, nâng diện tích tiêu thụ thanh long lên hơn 160 ha.
Tất cả thanh long tươi của thành viên HTX và hộ liên kết, các HTX trong chuỗi liên kết được HTX bao tiêu đầu ra. Thanh long của HTX được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Từ năm 2020, HTX nghiên cứu đưa ra thị trường hơn 10 sản phẩm chế biến từ thanh long sạch, góp phần tăng giá trị của quả thanh long, tăng thêm thu nhập cho gia đình các thành viên và người lao động...
Hiện, ở Bình Dương có hai HTX tham gia đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên minh HTX Việt Nam thực hiện với tổng số tiền 444,7 triệu đồng. Hiệu quả bước đầu là giảm chi phí đầu vào của HTX từ 18-22%, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động của HTX...
Thực tế cho thấy, một khi cùng liên kết dựa trên tinh thần hợp tác, chia sẻ, các HTX đã mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên của mình và cho xã hội; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Nâng cao chất lượng HTX kiểu mới
Thực tiễn hiện nay cho thấy, kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng, vẫn còn yếu thế so với loại hình kinh tế khác, năng lực cạnh tranh thấp nên chưa thu hút được đông đảo nông dân và các đối tác tham gia. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vẫn còn hơn 10% số HTX trong tỉnh xếp loại yếu. Nguyên nhân chính là hầu hết các HTX nông nghiệp chưa có cơ hội để tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần đông đã lớn tuổi, chưa qua đào tạo, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên khả năng điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh và kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho rằng, để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể thì cần phải đẩy mạnh hỗ trợ, giúp sức của Nhà nước và xã hội; HTX nông nghiệp phải ứng dụng nhanh, hiệu quả khoa học-công nghệ tiên tiến. HTX nông nghiệp phải thật sự đóng vai trò nòng cốt, làm đầu mối hợp tác, liên kết sản xuất để góp phần hình thành các chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất-chế biến-tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của nhiều chủ thể tham gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ HTX, hỗ trợ liên kết sản xuất, thực hiện gắn kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP. Trong đó, tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị, sản xuất cho cán bộ quản lý HTX và thành viên thông qua đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo nghề.
Hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp phát triển, UBND tỉnh Bình Dương đã có các quyết định phê duyệt danh sách HTX nông nghiệp tham gia thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn từ năm 2019. Đến nay, đã có 5 HTX và sáu cán bộ được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 569 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022. Trong đó, tiếp tục củng cố và phát triển HTX cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các hộ thành viên và cộng đồng như làm đất, tưới tiêu, phòng trừ dịch bệnh; dịch vụ đầu vào cho sản xuất của hộ thành viên bao gồm cây, con giống; phân bón, thuốc trừ sâu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng xây dựng HTX ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; sản phẩm hàng hóa phải đạt tiêu chuẩn của thị trường; tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên môi trường; xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, tỉnh sẽ tập trung xử lý dứt điểm những HTX tồn tại hình thức, yếu kém. Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các HTX với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...