Tạo sức bật mới cho du lịch Bình Thuận - Bài cuối: Tăng cường kết nối, quảng bá
Tỉnh Bình Thuận đang đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt du khách, đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách, trong đó du khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn năm 2026 - 2030 từ 20 - 22%/năm.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, du lịch Bình Thuận đang tăng cường kết nối, đa dạng các hành trình tour, quảng bá, tạo sức lan tỏa mạnh hơn cho điểm đến của địa phương có vị trí “cửa ngõ” kết nối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kết nối, phát triển không gian du lịch
Đề cập về tầm quan trọng của việc kết nối, liên kết trong phát triển lịch giữa các địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định, hoạt động liên kết du lịch không những góp phần đa dạng hóa, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, xác định rõ sự cần thiết kết nối, hợp tác phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới, trước mắt là phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới, du lịch Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, kết nối, mở rộng các không gian phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa du lịch Bình Thuận và các địa phương trong, ngoài vùng.
Để phát triển du lịch, các không gian du lịch phải được giao thoa, liên kết, có sự cộng hưởng, kết nối phù hợp giữa các điểm đến. Nhằm nắm bắt xu hướng, thị hiếu của du khách, ngay sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, ngành Du lịch Bình Thuận đã tổ chức chuyến khảo sát thực tế, gặp gỡ trực tiếp nhiều đối tác ở các thị trường du lịch trọng điểm, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, lưu trú nắm bắt và xây dựng tour, tuyến phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, thực hiện các chương trình đưa - đón du khách đến Bình Thuận và các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển “tam giác du lịch” giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Lâm Đồng, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm, đưa du khách tới các điểm đến của mỗi địa phương, liên kết quảng bá sản phẩm “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” tiếp tục được đầu tư theo hướng nâng chất và đa dạng điểm đến, sáng tạo thêm sản phẩm du lịch của từng địa phương.
Tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác liên kết vùng như: Tam giác du lịch Bình Thuận - Thành phố Hồ Chí Minh - Lâm Đồng, vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ; thực hiện liên kết với các tuyến như du lịch Xuyên Á, con đường di sản miền Trung, con đường xanh Tây Nguyên, du lịch sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bình Thuận phát triển thị trường du lịch quốc tế, nhất là thu hút du khách đến từ Liên minh châu Âu, Liên bang Nga, Bắc Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Á và các nước Đông Nam Á.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa, hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút du khách nội địa, chuẩn bị đón mùa cao điểm du lịch với du khách nội địa dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 và mùa Hè năm nay, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội kết nối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế từng đưa du khách đến Bình Thuận, tái khởi động các đường tour đã có, mở thêm mộ số đường tour mới để thu hút du khách trở lại.
Theo thông tin từ UBND thành phố Phan Thiết - một trong những trọng điểm của du lịch Bình Thuận, đầu năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết, giai đoạn 2021-2025, trong đó một trong những giải pháp mang tính chiến lược được đề ra là phát triển, hình thành các tuyến, điểm tham quan có giá trị, tăng sức hấp dẫn đối với du khách. Với các tuyến, điểm tham quan du lịch đề xuất khai thác, bên cạnh nhiều tuyến du lịch nội, ngoại thành Phan Thiết, nhiều tuyến du lịch liên kết được đề xuất hoàn thiện, khai thác như: Tuyến du lịch ngắm cảnh trên sông Cà Ty, tuyến du lịch ngắm cảnh, đi du thuyền hoặc sử dụng thuyền chuyên dụng đi câu cá trên vùng biển Phan Thiết đến các vùng phụ cận.
Đẩy mạnh quảng bá, tăng sức lan tỏa
Nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch địa phương, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của tỉnh, đối với việc quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận, trong giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xây dựng Chiến lược định vị thương hiệu du lịch; phát triển thương hiệu du lịch Mũi Né, hình thành hệ sinh thái du lịch Bình Thuận. Tỉnh tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội gắn với phát triển du lịch, đăng cai Năm Du lịch quốc gia và các hoạt động du lịch cấp quốc gia, quốc tế tại Bình Thuận.
Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bùi Thế Nhân thông tin, Bình Thuận tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, tăng đầu tư từ ngân sách và xã hội hóa nguồn lực để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về du lịch. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên hệ thống truyền thông, mạng xã hội, công nghệ số, nhất là các kênh truyền thông uy tín trong nước và quốc tế. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh thường xuyên tổ chức đón các đoàn khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, vận dụng các trang mạng xã hội có sức lan truyền mạnh để quảng bá thương hiệu, giới thiệu điểm đến du lịch Bình Thuận.
Đặc biệt, với mong muốn khẳng định thương hiệu, tăng sức hấp dẫn, lan tỏa và tạo ấn tượng sâu đậm hơn hình ảnh du lịch Bình Thuận đến du khách, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề xuất cho phép Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận hội tụ xanh, góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch của một địa phương có nhiều lợi thế về tài nguyên tự nhiên như nắng, gió, bãi biển đẹp, đồi cát, sông, hồ, thác gắn với nền văn hóa đa dạng, nhiều làng nghề, lễ hội hấp dẫn, mang nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở vùng Duyên hải cực Nam Trung Bộ của đất nước.
Ngay trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch hiện nay, du lịch Bình Thuận đang nỗ lực đổi mới phương thức truyền thông, xây dựng nhiều chương trình xúc tiến du lịch phù hợp. Ngành Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát tại thành phố Phan Thiết, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam để khảo sát, truyền thông những điểm đến đang có sức hút, những sản phẩm du lịch mới lạ. Đơn vị triển khai nghiên cứu thị trường, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nhu cầu, xu hướng đi du lịch trong thời gian tới và xác định thị trường tiềm năng cả trong nước và quốc tế để có chiến lược xúc tiến, quảng bá thu hút du khách phù hợp. Bên cạnh đó, du lịch Bình Thuận đã tích cực tham gia gian hàng trực tuyến giới thiệu quảng bá điểm đến tại Hội chợ du lịch Busan (Hàn Quốc), Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Nguyễn Linh Vũ cho biết thêm.