Tạo sức hút cho du lịch từ chiều sâu văn hóa truyền thống các dân tộc

Những bản làng xa xôi của đồng bào dân tộc tại Quảng Bình với di sản, lễ hội độc đáo luôn gợi sự thích thú cho du khách thập phương. Với việc kết nối và phát huy giá trị văn hóa truyền thống giữa các địa bàn, những nét đẹp này sẽ quay trở lại là sức hút cho ngành du lịch Quảng Bình đang được địa phương đầu tư phát triển.

Kết nối và gìn giữ giá trị văn hóa

Dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ nơi huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) là mái nhà của đồng bào Bru-Vân Kiều. Sống trong lòng thiên nhiên, lại dựa vào tự nhiên với lời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa và cuộc sống bình yên, người dân nơi đây đã lưu truyền những quan niệm, lễ hội như là "thềm cửa" kết nối giữa con người với những thế lực tự nhiên và rừng già.

Trong đó, lễ hội trỉa lúa là một phần linh hồn thể hiện cuộc sống lao động, sản xuất gắn với niềm tin tâm linh của đồng bào Bru-Vân Kiều. Đến nay, lễ hội được cha ông để lại vẫn gìn giữ lưu truyền qua các thế hệ. Hơn hết, những người làm công tác bảo tồn nhận thấy đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, Kim Thủy và Trọng Hóa có những nét tương đồng trong văn hóa, tín ngưỡng, từ đó đã triển khai mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch nhằm phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số.

 Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng

Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng

Qua các hoạt động tập huấn trong năm 2024, bà con Bru-Vân Kiều xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa được thông tin về cách thức bảo tồn di sản gắn với du lịch, truyền dạy kỹ năng xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch. Các nghệ nhân, già làng và học viên là những người trẻ cùng tham gia hoạt động, được thực hành kỹ năng trình diễn các nghi thức của lễ hội đặc sắc.

Trong đó, đoàn người nối dài di chuyển theo nhịp, vai đeo gùi, tay cầm gậy chọc lỗ, đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt, nghi thức làm nên linh hồn của lễ hội, và cũng là nghi thức tái hiện quy trình trồng cây, trỉa lúa, cầu cho mùa màng bội thu khi chuẩn bị vào mùa giáp hạt.

 Hoạt động thu hút các thế hệ đồng bào Bru-Vân Kiều cùng tham gia. Ảnh: D.H

Hoạt động thu hút các thế hệ đồng bào Bru-Vân Kiều cùng tham gia. Ảnh: D.H

Không chỉ những bậc cao niên, cả nhiều người trẻ trong bản làng đã rời xa vùng cao để về xuôi học tập, khi quay trở về cũng hòa mình trong nhịp điệu kết nối thiên nhiên - con người.

Già làng Hồ Thanh Minh ở bản Chuôn, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy nhớ lại về những lễ hội trỉa lúa ngày trước, tâm sự, năm nay được tham gia hoạt động, ông như sống lại những ký ức đẹp đẽ của những mùa lễ hội rộn ràng. "Thấy thế hệ trẻ hăng say học hỏi và tham gia, tôi tin rằng những giá trị truyền thống của đồng bào sẽ được giữ gìn và trường tồn", ông cho biết.

Hành trình di sản nối chặng đường du lịch

Thực hành và tái hiện kỹ năng trình diễn các nghi thức của lễ hội đặc sắc như lễ hội trỉa lúa nằm trong mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản, để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng, được các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phối hợp thực hiện trong thời gian qua.

Hoạt động đã mang đến niềm vui cho các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều dưới dãy Trường Sơn cũng như tại các xã, địa bàn khác có di sản tương đồng; đồng thời, tái hiện một màu sắc độc đáo về cuộc sống bên rừng già hùng vĩ, gợi hứng thú cùng niềm trân trọng, quan tâm đối với du khách thập phương và cả với con người con người ở vùng đất nơi đây.

 Học viên trình diễn các loại hình văn nghệ dân gian của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Học viên trình diễn các loại hình văn nghệ dân gian của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Đáng lưu ý, một trong những nguyên tắc cốt lõi của mô hình xây dựng di sản kết nối là luôn tôn trọng bản sắc riêng biệt của từng vùng quê, không áp đặt hay gò ép vào một khuôn mẫu chung, tôn vinh sự khác biệt, giữ gìn tính đa dạng trong văn hóa. Từ đó, di sản tồn tại và lưu truyền, phát triển như những gì vốn có, giữ được tính “hồn nhiên” của văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng dân tộc.

Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình Trang Thị Hồng Thúy phân tích thêm, mỗi lễ hội, mỗi phong tục đều được bảo tồn một cách tự nhiên, chân thực, không chạy theo hình thức hay áp đặt từ bên ngoài. Chính điều này sẽ giúp cho cộng đồng cảm thấy gắn bó và tự hào hơn về bản sắc văn hóa của mình, đồng thời tạo ra sự khác biệt hấp dẫn đối với du khách khi đưa lễ hội vào khai thác du lịch.

 Truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể cho đồng bào Bru-Vân Kiều

Truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể cho đồng bào Bru-Vân Kiều

Bên cạnh việc tái hiện lễ hội trỉa lúa, những lời ca, câu hát và di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại các địa bàn của tỉnh Quảng Bình cũng được truyền dạy, chuyển tải qua các thế hệ, là "tài sản" vô giá của dân tộc cũng như là sản phẩm tiềm năng cho các hành trình du lịch sinh thái của địa phương.

“Mô hình di sản kết nối hướng đến việc gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch. Việc lồng ghép di sản vào các hành trình du lịch giúp quảng bá sâu rộng văn hóa Bru-Vân Kiều, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào chuỗi liên kết du lịch, tạo ra các sản phẩm hấp dẫn. Mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững và nhân rộng mô hình này sang các vùng dân tộc thiểu số và miền núi khác”, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình Trang Thị Hồng Thúy nhấn mạnh.

Khánh Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tao-suc-hut-cho-du-lich-tu-chieu-sau-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-post399569.html