Tạo sức hút du khách ngoại quốc
Lĩnh vực nào cũng đều có "tệp" khách ưu tiên, đặc biệt là du lịch. Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã và đang thu hút những nhóm khách du lịch chất lượng cao, "chịu chi" bằng những cơ chế, chính sách, ưu đãi riêng. Qua đó không chỉ góp phần kích cầu, phát triển du lịch mà còn mở cửa đón nhân tài vào đầu tư trong nhiều lĩnh vực.
Theo Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Vĩnh Phúc nằm trong vùng du lịch Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, thuộc tiểu vùng Thủ đô, là một trong những địa phương trên cả nước được ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo quy hoạch.

Ngọc LanFlamingo Đại Lải Rerort (Phúc Yên) được nhiều khách quốc tế lựa chọn làm điểm đến nghỉ dưỡng trong hành trình khám phá du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đến nay, Vĩnh Phúc đã khẳng định được thế mạnh trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh, kết hợp phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch hội thảo, mô hình du lịch kết hợp với tham quan, học tập kinh nghiệm...
Toàn tỉnh hiện thu hút được 15 dự án lớn của các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký trên 2.600 tỷ đồng; nhiều điểm du lịch, khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng vươn tầm khu vực và thế giới nh thị trấn Tam Đảo, Khu di tích danh thắng Tây Thiên, Flamingo Đại Lải Resort, DIC Star Hotels & Resorts…
Bên cạnh lượng lớn du khách nội địa, tỉnh chú trọng thu hút khách quốc tế từ những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đến các nước ở khu vực châu Âu, Mỹ, Nga… đặc biệt là “tệp” khách “siêu giàu” đến du lịch, làm việc và… tiêu tiền.
Giai đoạn 2017 - 2024, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc trung bình đạt hơn 6 triệu lượt/năm, trong đó khách quốc tế đạt hơn 36 nghìn lượt/năm; tổng doanh thu du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng/năm. Tính riêng quý I/2025, toàn tỉnh đón 26,5 nghìn lượt khách quốc tế, chủ yếu từ khu vực Đông Bắc Á và những thị trường khác có dư địa khai thác lớn như khách Mỹ, châu Âu, Ấn Độ…
Kết quả này có được là nhờ tỉnh đã xây dựng, ban hành và áp dụng nhiều cơ chế, chính sách riêng trong lĩnh vực thu hút, phát triển du lịch. Đồng thời triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương như mở rộng cấp thị thực điện tử; xây dựng phương án đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời gian theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025 cho công dân một số quốc gia tại khu vực châu Âu như Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, Liên bang Thụy Sĩ… nhất là các nhà khoa học, các doanh nhân thành đạt, chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu.

Tam Đảo - "Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới" được nhiều khách quốc tế ưa thích bởi khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, mến khách. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đây là những động thái không chỉ góp phần tăng doanh thu, kích cầu phát triển du lịch mà còn mở ra "cánh cửa" đón nhân tài vào đầu tư, giúp Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng phát triển thị trường vốn, bất động sản, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.
Thời gian qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ lữ hành Ngọn lửa Việt, phường Phúc Thắng (Phúc Yên) đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị lữ hành quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh resort, khách sạn… xây dựng mới nhiều nhóm sản phẩm phù hợp tới từng phân khúc, thị hiếu, thị trường khách quốc tế.
Anh Đinh Văn Việt, Hướng dẫn viên du lịch công ty cho biết: Thời gian qua, Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều tỷ phú, đón giới "siêu giàu" trên thế giới tới nghỉ dưỡng, trải nghiệm như tỷ phú Bill Gates - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Microsoft, tỷ phú Jensen Huang - Giám đốc điều hành Nvidia, công ty dẫn đầu trong sản xuất chip AI trên thế giới…
Những "tệp" khách này có thể chi tới 15 nghìn USD/ngày (tương đương gần 400 triệu đồng), gấp hàng chục lần so với mặt bằng chung của du khách. Những khoản tiền này đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và tạo dựng, quảng bá hình ảnh cho du lịch địa phương.
Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng để đón khách quốc tế, đặc biệt là phân khúc khách “siêu giàu” đến trải nghiệm trong hành trình du lịch tại Việt Nam, vì thế, công ty đã và đang kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch quốc tế khảo sát, tiếp cận thực tế và tìm hiểu khả năng hợp tác, tổ chức du lịch ở các địa phương, xây dựng sản phẩm mới nhằm kết nối, hợp tác trong việc đón, phục vụ du khách quốc tế đến với Vĩnh Phúc.
Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu đón hơn 12 triệu lượt khách, trong đó hơn 10 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch ước đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là Công điện số 34 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại địa bàn trọng điểm. Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được du khách quan tâm như du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf...
Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo “tiếng vang” thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho du khách.
Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại khu, điểm du lịch và bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo môi trường du lịch đồng bộ, an toàn, văn minh, thân thiện.