Tạo 'sức hút' trong đầu tư, khai thác các khu công nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 KCN với tổng diện tích hơn 4,3 nghìn ha được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Trong đó, có 8 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư; 3 KCN đang tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng; 6 KCN đang hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng. Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, các ngành, địa phương đặc biệt chú trọng hoàn thiện và tổ chức thực hiện đầy đủ, hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN và nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN. Trong đó, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, kêu gọi những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín, tiềm lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN cung ứng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thứ cấp để triển khai dự án sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp tạo thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, KCN Sạch, KCN Thăng Long II (giai đoạn 3) đã khởi công xây dựng hạ tầng. Đến nay, tại các khu công nghiệp (KCN) có 514 dự án đầu tư thứ cấp đăng ký còn hiệu lực, gồm: 278 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỷ USD và 236 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,2 nghìn tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung tại 8 KCN gồm: KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ, KCN Minh Quang và KCN Sạch. Trong đó, KCN Phố Nối A hiện nay có số dự án đầu tư đăng ký lớn nhất với 213 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,1 tỷ USD và 22,2 nghìn tỷ đồng; KCN Thăng Long II có 104 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,1 tỷ USD… Các dự án tập trung vào các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp linh kiện điện, điện tử; sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may và các sản phẩm phụ trợ ngành ô tô, xe máy và dệt may…
Sản xuất tại Công ty TNHH Nestle Việt Nam, KCN Thăng Long II ( thị xã Mỹ Hào)
Mặc dù vậy, hiện nay hoạt động quản lý đầu tư, khai thác các KCN còn một số bất cập, khó khăn. Tại một số KCN đã hoạt động, còn bất cập trong công tác xử lý nước thải sản xuất, bảo vệ môi trường, kết quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp chậm, hiệu suất sử dụng đất chưa cao. Việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng một số KCN vẫn còn vướng mắc về thủ tục, thời gian xin phê duyệt chủ trương đầu tư còn dài, khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng…
Trong bối cảnh nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư thứ cấp hiện nay rất lớn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp nâng cao chất lượng quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác các KCN; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... Nâng cao chất lượng xây dựng kết cấu hạ tầng của các KCN theo hướng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với những tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; kết nối đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư vào các KCN thời gian tới là đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng các KCN tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục hành chính để sớm khởi công xây dựng KCN số 03, KCN số 05… Tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư các KCN trong quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến giao thông trọng điểm kết nối liên vùng của tỉnh giúp tăng năng lực thu hút đầu tư cho các KCN; đồng thời tăng cường hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Quan tâm tổ chức rà soát ngành nghề thu hút đầu tư đối với những KCN chưa lấp đầy, thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các dự án đầu tư mới theo hướng ưu tiên dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao. Về phía các nhà đầu tư hạ tầng các KCN, tỉnh yêu cầu phải tăng năng lực về vốn và bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, thực sự am hiểu pháp luật về lĩnh vực đầu tư để bảo đảm thực hiện tốt các công việc trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác các KCN.