Tạo sức mạnh cho nền kinh tế
Đến năm 2025, Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp - đó là định hướng được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu này là thách thức không nhỏ, song cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển hệ thống doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, hướng đến tạo sức mạnh cho nền kinh tế.
Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, để cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm rất lớn bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả như đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế... Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã bứt phá mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng trên thế giới bị đứt gãy, các doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước ASEAN duy nhất tăng trưởng dương trong năm 2020.
Doanh nghiệp phát triển sẽ nâng tầm quốc gia lên cao hơn. Do đó, để đạt được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trước mắt, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có chính sách nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài việc hỗ trợ bằng cách giảm thuế, phí, thủ tục hành chính thuận lợi..., cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế ưu đãi đối với những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, phù hợp với xu hướng phát triển, nhất là những ngành, lĩnh vực có nhiều khả năng chuyển đổi số và hội nhập cao, thúc đẩy phát triển mới doanh nghiệp cũng như giúp các doanh nghiệp hiện có mở rộng quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng. Đó là tập trung nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện cơ chế pháp lý để các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn vào những doanh nghiệp khởi nghiệp...
Hiện ở nước ta, số hộ kinh doanh khá lớn, nếu đồng thuận trong chuyển đổi thành doanh nghiệp thì lực lượng này sẽ góp phần làm nên kỳ tích - sớm đạt được mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện hiệu quả những chính sách khuyến khích hộ kinh doanh gia nhập cộng đồng doanh nghiệp; thông qua việc tạo cơ chế thông thoáng, bình đẳng giúp lực lượng này mạnh dạn, tự tin chuyển đổi và đóng góp chung cho nền kinh tế...
Điều căn bản nhất là cơ quan chức năng phải tạo lập một môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển thuận lợi. Đó là việc loại bỏ mọi rào cản thủ tục hành chính trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước; giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí không chính thức trong sản xuất, kinh doanh; tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp và trong mọi trường hợp, doanh nghiệp phải là đối tượng được phục vụ, được tôn trọng, lắng nghe, được tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh... Ngược lại, bên cạnh "cú hích" từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, mỗi doanh nghiệp cũng phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, kiên trì tạo dựng uy tín và thương hiệu cho mình... Khi cả hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân cùng chung quyết tâm phát triển, sức mạnh nền kinh tế sẽ được bồi đắp, từ đó nâng tầm quốc gia và hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc.