Tạo sức sống mới cho bài chòi

Một tiết mục của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Tuy An tại Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Phú Yên - Ảnh: THIÊN LÝ

Nghệ thuật bài chòi (NTBC) vốn có sức sống mãnh liệt trong đời sống lao động của người dân Nam Trung Bộ nói chung và Phú Yên nói riêng, được hình thành từ bao đời nay, thấm đượm vào tâm hồn và tình cảm của con người.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này, ngoài những chính sách hỗ trợ, khuyến khích lớp trẻ học hô/hát bài chòi và thường xuyên tổ chức các hội diễn, hội thi... thì viết lời mới cho bài chòi cần được quan tâm hơn.

Mang hơi thở cuộc sống

Tại cuộc thi Sáng tác bài chòi tỉnh Phú Yên năm 2019, tác phẩm Phú Yên tình đất tình người Nữ pháo binh đất Phú đã đạt giải cao. Tác giả của 2 tác phẩm này không ai khác chính là nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (nghệ danh Bình Thảng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) ở khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Ông là một gương mặt khá quen thuộc, là tác giả, đạo diễn của hàng chục tiểu phẩm tuyên truyền cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh; trong đó có nhiều tiểu phẩm mang tính thời sự.

Nghệ nhân Bình Thảng thổ lộ: “Tôi mong muốn đem hết sức sáng tạo và những hiểu biết của mình để tạo ra những tác phẩm bài chòi có nội dung gần gũi, mang hơi thở cuộc sống. Trong các hội thi chuyên ngành ở địa phương và toàn quốc, tôi thường lồng ghép các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào những làn điệu, câu ca... chuyển tải một cách mềm mại, sinh động những nội dung mới trên làn điệu truyền thống, giúp người dân thẩm thấu nhanh hơn”.

Hiện tại, ngoài tích cực tham gia viết kịch bản, tiểu phẩm bài chòi cho các hội thi tuyên truyền theo chủ đề như: quê hương biển đảo, phòng chống ma túy, an toàn giao thông, kế hoạch hóa gia đình, nông thôn mới, bảo vệ môi trường..., nghệ nhân Bình Thảng còn trực tiếp dạy kỹ năng hô/hát bài chòi và các làn điệu dân ca Khu 5; truyền lửa đam mê NTBC cho giáo viên và học sinh tại nhiều trường THCS, THPT ở huyện Đông Hòa và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

Cũng là một cây bút sắc sảo chuyên sáng tác kịch bản sân khấu và viết lời mới cho bài chòi, tham gia nhiều cuộc thi, ông Trần Đông ở xã An Hiệp, huyện Tuy An (thường được bà con lối xóm gọi bằng cái tên thân thiết là ông Dư), bày tỏ: “Không chỉ là giải pháp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản NTBC, các sáng tác mới và kịch bản bài chòi gắn với nhịp sống, hơi thở đương đại, góp phần làm phong phú thêm di sản này mà còn tuyên truyền hiệu quả, đưa các chủ trương của Nhà nước đi vào cuộc sống”.

Bảo tồn và phát huy

Thực tế không thể phủ nhận rằng, lớp người am hiểu về NTBC còn rất ít nên lực lượng sáng tác bài chòi cũng bị thu hẹp. Những làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản... có tuổi đời nhiều thế kỷ, tưởng chừng chỉ còn sức hút với những người lớn tuổi, nhưng không, giữa thị trường âm nhạc sôi động với nhiều dòng nhạc ngoại nhập, bài chòi cùng với những câu hò, điệu lý như mạch ngầm dai dẳng, vẫn được nhiều bạn trẻ giữ gìn và theo đuổi bằng niềm đam mê, khát khao không để di sản văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc bị lãng quên, mai một theo thời gian.

Nam ca sĩ Quang Thơm, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, chia sẻ: “Dù bận rộn với lịch diễn, nhưng với niềm đam mê, tôi vẫn thu xếp thời gian “tầm sư” học cách hô/hát bài chòi. Mỗi khi ngân nga làn điệu bài chòi cùng các anh chị em có chung sở thích, tôi giải tỏa phần nào áp lực trong cuộc sống. Hơn nữa, việc hô/hát và sáng tác bài chòi còn là cách để tôi thỏa niềm đam mê; mong muốn góp một phần công sức giữ gìn loại hình nghệ thuật là di sản vô giá mà cha ông để lại”.

Còn theo anh Nguyễn Duy Vinh, Chủ nhiệm CLB Bài chòi An Phú (TP Tuy Hòa), nếu muốn bảo tồn hay phát triển thì NTBC phải lắng nghe, phản ánh hơi thở cuộc sống đương đại. Đồng thời tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản, viết lời mới cho bài chòi, thông qua đó tìm kiếm và tuyển chọn những nhân tố mới, tác phẩm hay để cung cấp kịch bản, lời bài chòi cho các CLB bài chòi biểu diễn phục vụ người dân...

Để tạo động lực cho các nghệ nhân, nghệ sĩ có niềm tin và yên tâm gắn bó với loại hình NTBC, Bộ VH-TT-DL đã có Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị NTBC - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại giai đoạn 2018-2023. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT-DL Phú Yên khuyến khích các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng hô/hát bài chòi; tổ chức các liên hoan NTBC để tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các CLB Bài chòi trên toàn tỉnh tham gia trình diễn; tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản NTBC Trung Bộ Việt Nam dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Nguyễn Ngọc Thái

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/225694/tao-suc-song-moi-cho-bai-choi.html