Tào Tháo - hào kiệt một mình ôm nỗi cô trung
Theo Lã Tư Miễn, bậc anh hùng thường kiên trinh thẳng thắn, không ai như Tào Tháo. Bởi mọi người không biết, khiến bậc hào kiệt một mình ôm nỗi cô trung khó có thể tự thanh minh.
Từ xưa, những bậc anh hùng đều kiên trinh thẳng thắn, không có ai như Ngụy Vũ đế cả. Tôi mỗi khi đọc Tam Quốc chí chú dẫn Kỷ hợi lệnh của Ngụy Vũ đế tháng 12 năm Kiến An thứ 15 (210) được ghi chép trong Ngụy Vũ cố sự, chẳng bao giờ không thương cảm rơi nước mắt vậy.
Những điều khác chưa cần bàn đến, chỉ xem câu: “họp binh thì có thể họp được rất nhiều, nhưng ta thường tự giảm bớt đi, không muốn nhiều, vì e rằng quân đông ý mạnh, cùng tranh giành với cường địch, lại hóa gây ra đầu mối họa”, thì từ cuối đời Thanh cho đến Dân quốc, bao nhiêu người cầm quân, có kẻ nào biết nghĩ đến điều này chăng?
Trong bản mệnh lệnh lại dẫn ra những chuyện của Tề Hoàn, Tấn Văn, cùng Nhạc Nghị, Mông Điềm, mà tự nói rõ rằng mình không phụ nhà Hán, có thể nói là lời lời đều gan ruột.
Lại nói: “Ta chẳng phải chỉ là nói với các vị điều này, mà còn thường nói với thê thiếp, để họ đều biết rõ ý ấy. Ta nói với họ rằng: Sau khi ta chết, các nàng đều nên đi lấy chồng, để truyền kể lại tâm sự của ta cho người khác đều được biết”. Bởi mọi người không biết, khiến bậc hào kiệt một mình ôm nỗi cô trung mà khó có thể tự thanh minh đến như thế, há chẳng buồn ru?
Lại nói: “Nhưng nếu ta lại bỏ bớt quân chúng đang nắm giữ, trả lại chức vụ, quay về Vũ Bình hầu quốc, thì thực không thể được vậy. Vì sao thế? Thực sự là lo sợ rằng, ta rời bỏ binh quyền rồi, sẽ bị người ta mưu hại vậy. Tính kế cho con cháu đã đành, mà còn e nếu ta bại vong thì nước nhà cũng sẽ nguy cấp, cho nên không thể ham cái danh suông mà để rơi vào mối họa thực”.
Lại nói: “Trước đây, triều đình gia ân phong cho ba con trai của ta tước hầu, nhưng ta đều hết sức từ chối nhận, bây giờ lại muốn nhận lại, không phải là cần có cái ấy để làm vinh, mà chính là muốn chúng làm ngoại viện, để làm kế vạn an”. Những bậc anh hùng từ xưa, hỏi ai có thể nói năng thẳng thắn được đến như thế?
Phàm, chỉ có những người vô ý với công danh thì công danh của họ mới là thực. Tào công lúc mới đầu chỉ muốn làm một chân quận thú, sau lại muốn ẩn mình nơi bùn nước, dứt tuyệt với tân khách lại qua, dẫu đến sau khi đã khởi binh đánh Đổng Trác, mà còn không muốn tập họp nhiều quân là vậy. Chỉ có những người không tránh né việc mưu tính cho bản thân mình, thì mưu tính cho quốc gia mới là thực.
Giả như những kẻ về sau ở vào địa vị của ông, tất sẽ nói điều họ lo lắng chính là an nguy của quốc gia, chứ bản thân phải gặp họa cũng chẳng hề tính toán, càng không bao giờ toan tính cho con cháu, nhưng những lời ấy có thành thực hay không thì có thể biết rõ vậy.
[...]
Tuân Úc truyện nói: “Năm Kiến An thứ 17, bọn Đổng Chiêu nói Thái tổ nên thăng lên tước Quốc công, được đủ Cửu tích, để nêu rõ công lao đặc biệt, bí mật đem hỏi Úc. Úc cho rằng Thái tổ vốn dấy nghĩa binh để giúp triều đình, an đất nước, gìn lòng thành trung trinh, giữ thực tâm thoái nhượng, kẻ quân tử phải lấy đức mà yêu người, không nên như thế.
Vì thế mà Thái tổ chẳng yên trong lòng. Gặp khi đi đánh Tôn Quyền, (Thái tổ) dâng biểu xin cho Úc đi úy lạo quân sĩ ở đất Tiều, nhân đó bèn giữ Úc lại, lấy Úc là Thị trung Quang lộc đại phu Trì tiết, cho làm Tham Thừa tướng quân sự. Quân Thái tổ đến Nhu Tu, Úc bị bệnh lưu lại ở Thọ Xuân, vì lo buồn mà chết... Năm sau, Thái tổ bèn làm Ngụy công”. Đọc ở đây thì tựa hồ như Thái tổ làm Ngụy công, Ngụy vương, thực là những bậc thang của việc thoán nghịch, Đổng Chiêu là người hùa theo, còn Tuân Úc là người ngăn cản, đó là những lời vu khống xằng bậy mà thôi.
[...]
Tào Tháo nếu quả muốn lên thay nhà Hán thì cũng dễ như trở bàn tay, há lại phải đợi Đổng Chiêu hùa theo, mà Tuân Úc cũng há có thể ngăn cản được? Muốn thoán ngôi thì ông rốt đã thoán ngôi rồi, há tất phải có từng bậc thang Ngụy công, Ngụy vương? Đổng Chiêu truyện chú dẫn Hiến đế xuân thu nói, công lao của Thái tổ so với Lã Vọng, Điền Đan, chẳng khác gì núi Thái Sơn so với gò đất, đứng chung với liệt tướng công thần, cùng được phong hầu một huyện, há lại là niềm mong mỏi của thiên hạ?
Câu này theo việc mà nói vô cùng xác đáng, mà dẫu có theo lý mà bàn một cách công bằng nhất, mở dựng nước lớn, phong tước cho các con, khiến được yên vững như bàn thạch, thì cũng có liên quan gì tới việc thoán đoạt? Thuyết trong Tuân Úc truyện hoàn toàn là ngoa truyền, mà ngay những lời trong Đổng Chiêu truyện cũng là phụ hội chứ không phải thực.
Nhưng nói là, minh công trung tiết sáng ngời, những mưu của Cảnh Yểm, Chu Anh chưa từng thoảng qua tai, thì có thể thấy chí giữ tiết của Tào Tháo khi ấy rất vững, được mọi người cùng biết, cho nên tuy là lời phụ hội, nhưng cũng phải nói như vậy. Những lời trong Kỷ hợi lệnh đều là thật, lại càng có thể thấy được.
Quách Gia truyện nói: Gia chết, Thái tổ đến đám tang, rất đau buồn, nói với bọn Tuân Du rằng: “Các ông tuổi tác đều ngang với ta, chỉ có Phụng Hiếu là nhỏ nhất. Sau khi mọi việc thiên hạ đã yên, ta muốn đem hậu sự giao phó cho Phụng Hiếu, vậy mà trung niên lại yểu triết, âu cùng là số mệnh!”
Trong chú thích dẫn Phó tử cũng chép: Thái tổ viết thư cho Tuân Úc cũng nói: “muốn đem hậu sự giao phó cho (Gia)”. Ấy là tấm lòng chí thành của Tào Tháo, cũng là tấm lòng coi thiên hạ là chung vậy. Song, việc ấy rốt chẳng thành được, sau khi ông chết không bao lâu, thì con ông đã thoán đoạt nhà Hán, há ngoài Quách Gia ra thì không còn ai có thể phó thác được ư?
Tâm tư của người ta, thường được tích tụ kế tục. Cha chết tất con sẽ nối chí, ở vào cái thế chẳng làm bề tôi người, thì rốt ắt dẫn đến thoán đoạt mới thôi. Kiến giải của mọi người đều như vậy, cố nhiên chẳng phải sức của một hai người mà có thể làm được. Dẫu cho Tào Tháo có người để phó thác và nhận lời phó thác, cũng há có thể giữ an được vị thế ấy ư? Có điều, Tào Tháo hoàn toàn giữ vững được chí mình đến cùng, thì có thể nói là khó vậy. Bậc anh hùng vốn chẳng phải chúng nhân có thể khiến thay đổi được vậy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tao-thao-hao-kiet-mot-minh-om-noi-co-trung-post1438947.html