Tạo thế và lực mới cho phát triển Thủ đô
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị 'về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' với tầm nhìn mới, tư duy mới và nhất là tâm thế phát triển mới.
Đây là “kim chỉ nam” để Thủ đô Hà Nội tích hợp được những cơ hội, thuận lợi, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để xây dựng, phát triển trở thành TP kết nối toàn cầu, trung tâm hội nhập quốc tế của khu vực và thế giới; “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Thời gian qua, để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, các bộ, ngành đã và đang xây dựng chương trình hành động.
Tại Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022, trong đó đã đề ra 29 chỉ tiêu chủ yếu và 96 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 306/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU, xác định rõ nội dung gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể. Hiện các cấp, các ngành trong toàn TP đã vào cuộc để góp phần hiện thực hóa những mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Để đề xuất, làm sâu sắc hơn giải pháp đối với một số nội dung trọng tâm trong thực hiện Nghị quyết, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức tọa đàm “Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị - hiện thực những mục tiêu xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh và phát triển”.
Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học đã nhận định, để thực hiện được những mục tiêu mà Nghị quyết số 15 – NQ/TW đề ra cần rất nhiều yếu tố, về quy hoạch, phát triển văn hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… Trong đó, việc xây dựng được các chiến lược để huy động nguồn lực, khai thác các tiềm năng vốn có của Thủ đô, Hà Nội sẽ thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Nhà báo Hồ Quang Lợi: Xung lực “kích nổ” có tính đột phá sẽ huy động được sức mạnh
Ấn tượng mạnh mẽ, rõ ràng nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện một tầm nhìn mới, một tư duy mới, đặc biệt là xác định một tâm thế mới để từ đó tạo ra sức bật mới và những xung lực đột phá mới.
Tôi và cũng như rất nhiều người luôn có một điều trăn trở là Hà Nội đang tích hợp khá đầy đủ các điều kiện để phát triển cả về lịch sử, văn hóa, vị thế, đặc biệt là được sự quan tâm, ưu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và niềm tin của Nhân dân cả nước. Song, Hà Nội vẫn chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh. Đặc biệt là chưa tạo được những xung lực “kích nổ” có tính đột phá để huy động sức mạnh tổng hợp phát triển Thủ đô.
Cho nên, Nghị quyết lần này phải thấm sâu vào trong nhận thức, hành động của toàn bộ hệ thống chính trị và từng người dân Thủ đô. Nói khác đi, Nghị quyết lần này khơi dậy mạnh mẽ khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại bằng những mục tiêu rất cụ thể: Vào năm 2030, thu nhập bình quân tính theo đầu người khoảng từ 12.000 – 13.000 USD/người; đến năm 2045 thu nhập quốc dân của Hà Nội lên tới 36.000 USD/người… Vì thế, vai trò của báo chí truyền thông trong việc khơi dậy khát vọng trong từng người dân là hết sức quan trọng.
Đồng thời, Hà Nội là trung tâm hàng đầu của cả nước về khoa học công nghệ, đương nhiên phải trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo. Là nơi tập trung rất nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học lớn, với một lực lượng trí thức khoa học hùng hậu bậc nhất cả nước, tôi nghĩ Hà Nội cần một cơ chế huy động và tạo dựng khả năng kết nối giữa các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu với hệ thống kinh tế - xã hội của TP.
Làm sao từ sự kết nối ấy phải ra những đặt hàng rất cụ thể, có tính khả thi. Hà Nội phải hoàn thiện đề án về vấn đề này, coi đây là yếu tố có khả năng tạo ra những đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển Thủ đô.
Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, KTS Lưu Quang Huy: Đánh giá rõ các yếu tố mới tác động vào quy hoạch Thủ đô
Trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập đến 2 quy hoạch triển khai song song là Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và Điều chỉnh quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
Qua đánh giá cho thấy, Thủ đô Hà Nội có bề dày hơn 1.000 năm văn hiến, có đặc trưng đô thị rất đặc biệt với hệ thống phố cổ, phố cũ, các đô thị hình thành từ những thế kỷ trước mà các tỉnh, TP khác không có; là 1 trong 17 Thủ đô lớn nhất thế giới; có hệ thống cảnh quan đẹp, lớn; hệ thống sông hồ nhiều. Đây là thuận lợi rất lớn trong giao thương cũng như phát triển của Hà Nội.
Tất nhiên, Hà Nội cũng còn những hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được chỉ ra trong thực hiện Quy hoạch chung, chúng ta nhìn nhận đúng thì định hướng quy hoạch trong tương lai sẽ tốt hơn, đảm bảo tốt nhất tính khả thi.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên: Hà Nội cần chiến lược để khai thác hết tiềm lực vốn có
Đây không phải Nghị quyết đầu tiên mà Bộ Chính trị ban hành dành cho Hà Nội, tuy nhiên, trên cơ sở những kết quả triển khai Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển Thủ đô trong giai đoạn vừa qua, Nghị quyết mới lần này là cơ hội để tiếp tục thay đổi tư duy cho sự phát triển của Hà Nội.
Theo tôi, những mục tiêu cả về định tính và định lượng mà Hà Nội đặt ra trong Nghị quyết 15-NQ/TW dù chưa thể hiện hết khát vọng, thách thức, nội lực và khả năng huy động nội lực tạo sức mạnh để phát triển, trong đó mục tiêu GRDP tăng từ 8 - 8,5%/năm không quá cao, nhưng trong 6 năm để thực hiện, dự báo sẽ mất 4 năm khó khăn. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu, cần nhận diện được bối cảnh quốc tế, trong nước tác động tích cực và tiêu cực đến vấn đề này như thế nào. Đồng thời, phải nhận diện cho được lợi thế, bất lợi tác động lên quá trình phát triển của Hà Nội. Từ đó, xem Hà Nội có thể tận dụng được những vấn đề đó như thế nào để tìm ra nguồn lực cho phát triển.
Hà Nội có nhiều lợi thế lớn về nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế … cho phát triển. Vậy vấn đề đặt ra là Hà Nội cần phải có chiến lược để khai thác hết tiềm lực này. Đi vào một lĩnh vực cụ thể là phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra sức mạnh để phát triển kinh tế. Hà Nội đã ban hành một Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa là đang đi đúng với xu thế hiện tại. Hoạt động văn hóa lúc này được coi như hoạt động mang lại lợi ích kinh tế để góp phần vào sự phát triển chung.
Do đó, cần phải định hình lại nguồn lực, tài nguyên để có hướng phát triển cụ thể, tận dụng di sản vốn có, phong phú để chuyển hóa, tạo ra sản phẩm văn hóa có chất lượng. Từ đó chuyển hóa thành công nghiệp văn hóa để tạo thu nhập và thu hút đầu tư cho phát triển. Đây chính là cơ hội để Hà Nội chứng tỏ tư duy trong thúc đẩy phát triển văn hóa, tạo ra giá trị cho sự phát triển chung của TP.
TP Hà Nội tuyệt đối không nên xin cơ chế ưu đãi riêng nhưng cần có cơ chế vượt trội để tạo hình mẫu cho sự phát triển chung trên cả nước. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cán bộ hành động để sáng tạo. Bởi thực tế quá trình phát triển hiện nay cho thấy nếu Hà Nội quyết tâm làm có thể đạt, vượt mục tiêu đề ra; nếu Hà Nội nhận diện đúng các tiềm năng và hướng đi thì tăng trưởng đạt từ 12 - 13%/năm là hết sức khả thi.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, TS Lê Doãn Hợp: Phát triển văn hóa trên ba trụ cột
Trong Nghị quyết 15-NQ/TW, Bộ Chính trị đã xác định chất, tầm, vai vế văn hóa của Hà Nội trong sự phát triển quốc gia và được định hình rất rõ ràng. Để hiện thực mục tiêu xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô, theo tôi Hà Nội có 3 lợi thế, đó là dân trí cao, có bề dày truyền thống văn hóa và là nơi quy tụ nhiều người tài giỏi. Tuy nhiên, Hà Nội cũng có những khó khăn nhất định cần phải vượt qua.
Văn hóa là tinh hoa của đạo đức, chúng ta cần xây dựng văn hóa con người, tập trung vào 3 vấn đề văn hóa cốt lõi nhất, hãy coi đây là 3 trụ cột để văn hóa phát triển và thăng hoa. Đó là, trụ cột thứ nhất, văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội, văn hóa DN - nền tảng kinh tế của đất nước, văn hóa công sở và đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia.
Với văn hóa gia đình, mọi sự tốt đẹp của gia đình, dân tộc thậm chí quốc tế đều bắt đầu từ gia đình. Vấn đề thứ hai là văn hóa DN chính là nền tảng kinh tế quốc gia; trong DN, nếu người đứng đầu không có văn hóa thì không hy vọng văn hóa DN thành công. Trụ cột thứ ba là văn hóa công sở và đạo đức công vụ, thực tế người dân chủ yếu tin tưởng, nhìn vào công chức cơ sở - đó là cấp gần dân nhất, là niềm tin của dân…
Hơn thế nữa, tôi cho rằng, văn hóa quyết định kinh tế và trong tình hình hiện nay, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Nếu không có văn hóa lành mạnh sẽ không có kinh tế bền vững. Xây dựng trụ cột thứ ba là văn hóa công sở, đạo đức công vụ phải đào tạo đội ngũ cán bộ hết sức vì dân, phải luôn luôn lấy lòng dân để làm thước đo cán bộ qua từng việc một. Nếu làm tốt 3 trụ cột này, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung sẽ phát triển, đó là những điều dân mong nhất, cần nhất hiện nay.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS Nguyễn Sỹ Dũng: Phải cho Hà Nội cơ chế để thu hút người tài
Để thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 15-NQ/TW, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới rất quan trọng. Cùng với những cơ chế đặc thù về mặt tài chính, ngân sách hay phân cấp, phân quyền, theo tôi quan trọng nhất là phải cho TP Hà Nội cơ chế để thu người tài.
Bên cạnh vấn đề lương bổng cho người tài, TP Hà Nội phải có mô hình thể chế cho người tài thử nghiệm, có không gian để họ phát huy tài năng trong khuôn khổ. Đồng thời, nên thi tuyển công chức, viên chức bằng hình thức thi quốc gia để lựa chọn người tài cho công vụ.
Như vậy, từ cách thức lựa chọn thí điểm ở Hà Nội rồi mở rộng cả nước, tiêu chí quan trọng nhất là sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn xuất sắc. Nếu không có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, hấp dẫn để thu hút người tài, rất nhiều vấn đề của TP sẽ ách tắc.
Ngoài ra, phải có những thể chế thu hút nguồn lực đầu tư của riêng Hà Nội, để những nguồn lực của dân cùng chia sẻ với TP trong những dự án sáng tạo áp dụng công nghệ, chứ không chỉ đầu tư vào bất động sản.
Một trong những mục tiêu khác được đưa ra tại Nghị quyết số 15 là Hà Nội phải thúc đẩy chuyển đổi số. Trong chương trình quốc gia về chuyển đổi số đã rất rõ về những mục tiêu về xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, đối với TP Hà Nội, quan trọng là phải xác lập ưu tiên đúng.
Theo tôi, để tạo ra giá trị thiết thực, cần số hóa ngay việc giải quyết những vấn đề thực tế, để xử lý được ngay những vấn đề nóng bỏng của TP, mà vấn đề nóng bỏng nhất bây giờ là giao thông.
Quan trọng nhất là sử dụng chuyển đổi số, các công nghệ số để xây dựng một hệ thống đô thị thông minh, giao thông thông minh. Bên cạnh đó, để số hóa thành công, TP Hà Nội nên có cơ chế khuyến khích ai số hóa được nhiều hơn thì có thưởng, để thúc đẩy cả TP phát triển. Ngoài ra, phải dùng số hóa để giải quyết những ách tắc về thể chế.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tao-the-va-luc-moi-cho-phat-trien-thu-do.html