Tạo thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng

Từ thành công của việc đấu giá quỹ đất dọc hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có chủ trương thu hồi, bán đấu giá hơn 2.200 ha đất dọc hai bên tuyến đường Vành đai 3 để lấy tiền đầu tư tuyến đường quan trọng này. Mô hình 'Lấy đất nuôi đường' được đánh giá là cách làm phù hợp trong bối cảnh thành phố đang cần nguồn lực tài chính lớn để đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị.

Một góc hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức.

Một góc hạ tầng giao thông thành phố Thủ Đức.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn lực phát triển đô thị là rất cần thiết và kịp thời trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp như hiện nay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố cho biết, năm 2001, khi xây dựng tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, thành phố đã thu hồi thêm hai bên đường mỗi bên 15 m để có 87,5 ha đất làm quỹ đất dự trữ. Tiếp đó, thành phố đấu giá 58 ha để thu về cho ngân sách 466 tỷ đồng. Phần đất còn lại khoảng 20 ha, thành phố dùng để đổi cho Công ty GS làm đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. 15 ha khác dành để tái định cư tại chỗ cho người dân bị thu hồi đất để làm dự án. Số tiền thu được từ việc đấu giá đất dọc hai bên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ không chỉ đủ để đầu tư xây dựng chính tuyến đường này mà còn là động lực để hình thành nên những khu đô thị sầm uất, làm thay đổi hẳn diện mạo của khu vực phía nam thành phố khi ấy còn rất hoang sơ.

Đối với tuyến đường vành đai 3 dài 65 km đi qua ba huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, theo kết quả khảo sát sơ bộ, quỹ đất vùng phụ cận dọc tuyến Vành đai 3 là khoảng 2.413,4 ha; trong đó có khoảng 514 ha đất nông nghiệp do Nhà nước trực tiếp quản lý. Nếu chỉ đem đấu giá quỹ đất nông nghiệp này đã có thể thu về khoảng 26.985 tỷ đồng.

Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phương án Nhà nước thu hồi đất hai bên đường để đấu giá nhằm thu hồi chi phí bỏ ra đầu tư xây đường là một phương án phù hợp cho mọi công trình hạ tầng. Đây là một chủ trương đúng, lợi cả đôi bên vì nếu thành công, số tiền thu hồi sau khi Nhà nước bán đấu giá đất hai bên đường không những bù được chi phí làm đường, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, mà còn có thể tái định cư tại chỗ cho người dân và xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng như công viên, công trình y tế, giáo dục... Bên cạnh đó, bộ mặt đô thị dọc tuyến đường cũng được đồng nhất, tránh tình trạng lộn xộn, nhà “siêu mỏng, siêu méo”…

Tuy nhiên, theo ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua xuất hiện hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác, hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi, bán hàng tồn đọng, tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại các khoản nợ trong các ngân hàng…

Theo ông Thắng, nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên là do chưa thống nhất giữa các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, đấu giá, thuế; trong đó chưa có những ràng buộc hoặc chế tài chặt chẽ về năng lực tài chính của người tham gia đấu giá, về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau. Để khắc phục, không còn giải pháp nào khác là lấp độ vênh giữa các luật; quy định thêm những chế tài để xử lý nghiêm những sai phạm.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, đấu giá đất phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, được áp dụng trong tất cả trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không có ngoại lệ. Đấu giá đất phải bảo đảm quyền và lợi ích cho cả ba bên là “Nhà nước (người bán); doanh nghiệp, người dân (người mua) và thị trường, xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế đấu giá, cả căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách lẫn quy trình, thủ tục cũng như bộ máy tổ chức và nhân sự liên quan.

Ở một góc nhìn khác, nhóm tác giả Thạc sĩ Trương Trọng Hiểu, Tiến sĩ Châu Thị Khánh Vân (Trường đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) hiến kế, thay vì đặt ra mức tiền ứng trước đấu giá quá cao như một số đề xuất hiện nay thì quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản cần hướng tới tìm kiếm giải pháp kiểm soát rủi ro khi người trúng đấu giá không tiếp tục hợp đồng. Bởi việc đặt ra mức tiền ứng trước quá cao có thể là nguyên nhân kiềm tỏa động lực tham gia đấu giá của những người muốn mua tài sản…

Bài, ảnh: VŨ NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/tao-them-nguon-luc-de-phat-trien-ha-tang-694049/