Tạo thói quen sống xanh, xây dựng Phú Quốc không rác thải nhựa
Qua hơn 7 năm hình thành, nhóm bảo vệ môi trường 'Phú Quốc Sạch và Xanh' đã và đang hoạt động hiệu quả.
Với hơn 200 tình nguyện viên, nhóm hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và hành động về phân loại rác tại nguồn, tuần hoàn, tái chế, giảm thiểu tác động đến môi trường. Từ đó tạo thói quen phân loại rác đến cộng đồng, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và du khách về rác thải nhựa.
Theo Trưởng nhóm Trần Văn Sanh, "Phú Quốc Sạch và Xanh" được thành lập từ tháng 5/2015. Từ hoạt động dọn vệ sinh bãi biển Dinh Cậu (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) vào chủ nhật mỗi tuần của một nhóm nhỏ chỉ có 5-7 người, nhóm hiện có hơn 20 thành viên nòng cốt và 200 tình nguyện viên sẵn sàng tham gia các hoạt động của nhóm.
Về ý tưởng thành lập nhóm, anh Trần Văn Sanh chia sẻ: "Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên hòn đảo Phú Quốc, nơi được thiên nhiên ưu ái với nhiều bãi tắm đẹp mê hồn. Từ một lần tắm biển tại Dinh Cậu, tôi vô tình nhìn thấy các ly nhựa, hộp xốp sau khi được người dân và du khách sử dụng bị bỏ lại trên bãi biển gây khó chịu cho mọi người xung quanh. Từ đó, mỗi chiều chủ nhật, tôi rủ thêm vài bạn cùng dọn vệ sinh khu vực. Không ngờ chúng tôi được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình từ các anh chị, người dân xung quanh. Tôi đã lập ra nhóm "Phú Quốc Sạch và Xanh" để cộng đồng cùng tham gia".
Hoạt động chính của nhóm là dọn vệ sinh ở những khu vực công cộng, đặc biệt là các bãi biển bị rác "tấn công". Trong nhiều năm qua, nhóm đã có các hoạt động tiêu biểu như dọn sạch bãi biển và khu vực cột chắn sóng Dinh Cậu, dọn vệ sinh tại chợ Hàm Ninh, làm sạch bãi biển trên hòn Móng Tay, bãi xếp An Thới, bãi tắm khu phố 3, phường Dương Đông…
Mỗi hoạt động lớn thu hút hơn 200 tình nguyện viên từ khắp nơi tham gia với lượng rác gom và phân loại mỗi đợt lên đến trên 4.000kg. Trong năm 2021-2022 nhóm đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện "nói không với rác thải nhựa", cùng với hoạt động đổi rác thải nhựa lấy quà, được người dân tham gia và ủng hộ nhiệt tình.
Cần chế tài mạnh hơn xử lý trường hợp xả rác
"Phú Quốc là một thành phố biển đảo, ngoài lượng rác thải của người dân còn có rác nhựa từ khắp nơi trôi dạt về và tấp vào bờ, đặc biệt là các bãi biển không người lượng rác chất cao có nơi lên đến 0,5m. Với sự phát triển nhanh như hiện nay, nếu người dân, du khách không có ý thức chung tay cùng chính quyền thì Phú Quốc sẽ sớm trở thành hòn đảo rác nhựa", anh Trần Văn Sanh lo lắng.
Theo Trưởng nhóm, ngoài việc tuyên truyền, chính quyền địa phương nên mạnh tay sử dụng các biện pháp, chế tài, có thể phạt nguội những hành vi vi phạm, truyền tải thông tin những người vi phạm đến với cộng đồng. Mỗi người dân, du khách cần ý thức hơn về việc phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định, điều quan trọng nhất có thể hạn chế hoặc không dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bạn Phương Liên, một thành viên của nhóm, nêu quan điểm: "Trong khi đảo Ngọc đang phát triển không ngừng về kinh tế, du lịch thì vấn đề môi trường vẫn chưa được quan tâm sát sao. Một phần khó là bởi ý thức của người dân chưa cao trong việc giữ gìn môi trường biển. Các phong trào diễn ra đơn thuần chỉ mang tính đội, nhóm, chưa thực sự có sức ảnh hưởng lớn đến người dân".
Theo Phương Liên, cần khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân ở Phú Quốc khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm nhựa 1 lần. Địa phương có chính sách hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, cần tổ chức thường xuyên hơn các buổi vệ sinh ở cộng đồng, người đi biển, hộ dân sống ven biển cùng tham gia. Có thể mở các tour "Nhặt rác đại dương" cho khách du lịch tham gia để nâng cao ý thức đối với khách du lịch và doanh nghiệp du lịch, tặng quà lưu niệm là các sản phẩm handmade tái chế…
Cùng quan điểm với Trưởng nhóm Trần Văn Sanh, Phương Liên cho biết: "Bắt buộc cam kết và có chế tài xử phạt, thực hiện kiên quyết hơn đối với các trường hợp cố ý hoặc thường xuyên xả rác".
Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục tập trung về rác nhựa, thu gom rác tại các hòn đảo nhỏ của phường An Thới, hành trình săn "lưới ma" ở các rạn san hô, gian hàng đổi rác lấy quà tại phường Dương Đông, phường An Thới và xã Gành Dầu. Thông qua các hoạt động, nhóm mong muốn cộng đồng ý thức hơn và tạo thói quen sống xanh để cùng chính quyền nơi đây xây dựng thành phố Phú Quốc không rác thải nhựa.