Tạo thói quen tiêu thụ nông sản có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng
Để có thể đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trên các nền tảng, cần phải thúc đẩy từ phía các chủ thể sản xuất bằng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực. Đồng thời phải làm cho người tiêu dùng có thói quen tiêu thụ nông đặc sản có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng như các sản phẩm OCOP...
Thông tin được ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hải Dương chia sẻ tại tọa đàm "Xúc tiến tiêu thụ nông sản trên nền tảng số: Bắt nhịp xu hướng" diễn ra mới đây.
Theo ông Quang, Hải Dương là một trong những tỉnh đi tiên phong trong thực hiện hoạt động chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Hải Dương có đặc sản vải thiều nổi tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2020 khiến tiêu thụ trái vải năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn.
“Trong bối cảnh đó, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chúng tôi kết nối với gần 30 điểm cầu quốc tế cùng các điểm cầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Theo đó, trái vải của Hải Dương không bị tồn đọng, rất được giá và tiêu thụ trong một thời gian ngắn, với giá trị tăng thêm của bà con khoảng 600 tỷ đồng. Đây là bước chuyển đổi số đầu tiên mà tỉnh Hải Dương áp dụng”, ông Quang chia sẻ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2021, với chủ trương chung và xu thế đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua quyết định 1968 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022 Sở Công Thương Hải Dương tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại số.
Còn năm 2023, khi thấy trái vải đã ổn định thị trường và có xu thế phát triển rất tích cực, ngày 26/10 vừa qua, Sở Công Thương Hải Dương tổ chức tiếp một chuyên đề chuyên sâu đối với củ cà rốt của tỉnh trên vùng đất huyện Cẩm Giàng.
Ông Quang cho biết, hiện 70% sản phẩm cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng thông thường việc xuất khẩu chỉ tập trung ở Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.
“Trong buổi kết nối tiêu thụ trực tuyến với các thương vụ ở nước ngoài, có những doanh nghiệp Hồng Kông nói rằng họ phải mua cà rốt của Hải Dương thông qua Hàn Quốc, Singapore. Và trong buổi đó chúng tôi đã có kết nối trực tiếp luôn với các doanh nghiệp Hồng Kông để tiêu thụ cà rốt cho người dân. Tôi có thể khẳng định, Hải Dương rất tiên phong về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và đến nay đạt rất nhiều thành công”, ông Quang nói.
Tuy vậy, theo Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hải Dương, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại luôn có những thách thức từ nhận thức, hạ tầng công nghệ đến sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là các đối tượng doanh nghiệp.
Điều ông Quang trăn trở nhất vẫn là đào tạo, huấn luyện kỹ năng bán hàng cho từng cá nhân, tổ chức.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Tiktok để mở thêm các lớp đào tạo, từ đó đa dạng hóa các kênh bán hàng, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản của bà con địa phương.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện Tiktok Việt Nam cho rằng, để có thể đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trên các nền tảng, cần phải thúc đẩy từ phía các chủ thể sản xuất bằng các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, hoặc thông qua những tấm gương để mọi người chia sẻ, vươn lên.
Đồng thời phải làm cho người tiêu dùng có thói quen tiêu thụ nông đặc sản có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng như các sản phẩm OCOP.
Theo ông Thanh, nông sản Việt Nam có rất nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là thói quen làm nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, về công nghệ, thương mại Việt Nam còn hạn chế.
Chuyển đổi số là cơ hội để Việt Nam "đi tắt đón đầu" trong thế giới "phẳng". Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số với những chính sách rất rõ ràng. Vấn đề là cần có các chương trình hỗ trợ triệt để ở góc độ hỗ trợ cho bà con ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là hỗ trợ về vấn đề logistics.
Bên cạnh đó, việc đào tạo, tập huấn để cho bà con nông dân phát huy được lợi thế của mình là cần thiết. Làm sao để thay đổi nhận thức của bà con là bán các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.