Tạo thông thoáng thủ tục tại Cửa khẩu cảng TPHCM

9 giờ sáng, tại Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM (Bộ đội Biên phòng TPHCM), các cán bộ của Đội Thủ tục đang tập trung giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp trên máy tính. Hàng ngày, Đội Thủ tục Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ nhập cảnh người và hàng hóa của các hãng tàu biển vào khu vực cảng do đơn vị quản lý.

Tiết kiệm thời gian

Thiếu tá Trần Hà Vỹ, Đội trưởng Đội Thủ tục, Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM, cho biết, trước đây, người làm thủ tục phải trực tiếp nộp và xuất trình cho Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM 9 loại giấy tờ. Việc đối chiếu giữa giấy tờ tùy thân với các loại danh sách để kiểm tra nhân thân thuyền viên, hành khách... của cán bộ Biên phòng cửa khẩu cảng hầu hết thực hiện thủ công.

“Thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh cho một chuyến tàu mất từ 60-90 phút, dẫn đến tăng chi phí đi lại, cầu bến neo đậu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người làm thủ tục”, Thiếu tá Trần Hà Vỹ chia sẻ.

Từ khi công tác thủ tục Biên phòng điện tử được kết nối với Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia và Bộ đội Biên phòng TPHCM, Đội Thủ tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trong thủ tục Biên phòng điện tử, nhờ đó đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng TPHCM đã triển khai thực hiện 12 thủ tục Biên phòng điện tử đối với tàu thuyền đến, rời cảng. Thủ tục Biên phòng điện tử được thực hiện 24/7, kể cả ngày lễ, tết; người làm thủ tục có thể thực hiện khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng ở bất cứ nơi nào có mạng internet bằng máy tính, điện thoại thông minh. Việc khai báo, nhận kết quả được thực hiện qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, hồ sơ giấy phải nộp được loại bỏ hoàn toàn.

Các loại giấy tờ phải nộp khi làm thủ tục cho tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh chuyển cảng đã giảm từ 9 xuống còn 5 loại. Trong đó, có 2 loại giấy tờ bắt buộc, còn 3 loại chỉ phải nộp nếu có. Thủ tục biên phòng cho một chuyến tàu được rút xuống còn từ 10-15 phút/tàu.

Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng (Công ty CP Gemadept TPHCM), trước khi có thủ tục Biên phòng điện tử, doanh nghiệp, đại lý làm thủ tục cho tàu biển phải trực tiếp đến cơ quan cảng vụ hàng hải và phải xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. “Giờ tôi có thể ngồi bất cứ đâu để khai báo thủ tục trong 15-30 phút. Trước khi tàu vào, chúng tôi đã có thể nhận được xác nhận hoàn thành thủ tục”, anh Thắng cho hay.

 Biên phòng TPHCM phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử. Ảnh: BĐBP TPHCM

Biên phòng TPHCM phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử. Ảnh: BĐBP TPHCM

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục Biên phòng điện tử đã triệt tiêu hoàn toàn thời gian tàu thuyền chờ hoàn thành thủ tục. Việc chủ động phối hợp lực lượng Hải quan, Cảng vụ hàng hải triển khai Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu, chủ hàng; đảm bảo công khai, minh bạch về thủ tục hành chính; tránh phiền hà, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng.

Tăng cường hội nhập

Tại Biên phòng cửa khẩu cảng TPHCM, khi tàu khách chở khách du lịch quốc tế gần đến cảng thì thủ tục Biên phòng điện tử đối với tàu, thuyền viên đã được hoàn thành trước đó. Trong đó, thủ tục nhập cảnh cho hành khách được áp dụng khai báo thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện kiểm tra hộ chiếu, giấy tờ, cấp thị thực và kiểm chứng nhập cảnh cho khách trên tàu đã được thực hiện trên hành trình từ phao số 0 (điểm đầu tiên của hệ thống mốc tiêu dẫn luồng vào cảng, được đặt theo quy định của Luật Hàng hải - PV) vào cảng.

Ông Yun Jonghyuck, thuyền trưởng tàu SM Jakarta, Hàn Quốc, nhận xét, khi vào cảng làm thủ tục đi bờ, lực lượng chức năng của Việt Nam đã tạo điều kiện hết mức để thủ tục ra vào được nhanh chóng, thuận lợi.

Từ năm 2019, Bộ đội Biên phòng TPHCM cũng đã triển khai thực hiện kiểm soát các loại giấy phép cho người Việt Nam, người nước ngoài xuống, rời tàu bằng công nghệ in mã vạch 2D, đảm bảo chính xác, đầy đủ thông tin trong lưu trữ, truy xuất dữ liệu.

Theo cán bộ Đội Thủ tục, trước đây việc kiểm soát đối với hành khách trên tàu du lịch đến cảng mất 1-2 phút/hành khách, vì vậy mất rất nhiều thời gian cho cả hai bên, nhất là đối với tàu nhập cảnh có số lượng từ 2.000 khách du lịch trở lên và neo đậu tại cảng trong ngày. Hiện nay, thời gian kiểm soát đối với một hành khách giảm xuống chỉ còn từ 10-12 giây, tàu vừa cập cảng là khách được đi bờ ngay.

Chia sẻ với PV Báo SGGP, Thượng tá Nguyễn Văn Đĩnh cho biết, trong bối cảnh hội nhập với khu vực, các cảng của Asean và nhiều quốc gia trên thế giới, đơn vị đã và đang đề xuất mở các lớp kết nối liên thông với các đơn vị đào tạo về công nghệ thông tin, ngoại ngữ cho cán bộ Biên phòng Cửa khẩu cảng. Điều này nhằm thu hút các đơn vị doanh nghiệp, các hãng tàu lớn của các quốc gia trên thế giới vận chuyển vận tải hàng hóa đến Việt Nam.

Bộ đội Biên phòng TPHCM được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển dài 23km và quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu cảng. Đội Thủ tục, Biên phòng Cửa khẩu cảng TPHCM đã phát triển và thiết kế nhiều phần mềm trong quản lý tàu thuyền đến và đi, phần mềm kiểm soát người ra, vào cảng, phần mềm cấp giấy phép và phần mềm quản lý visa, thẻ đi bờ cho thủy thủ, thuyền viên; riêng phần mềm quản lý thẻ visa, thẻ đi bờ đã được nhân rộng và áp dụng trong hệ thống cảng biển cả nước.

THU HOÀI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tao-thong-thoang-thu-tuc-tai-cua-khau-cang-tphcm-post746266.html