Tạo thuận lợi cho liên kết vùng giữa Tây Nguyên với các địa phương

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Bên lề Kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến liên quan đến hai nội dung này.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Nông, Sơn La, Hà Tĩnh và Bình Thuận thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Nông, Sơn La, Hà Tĩnh và Bình Thuận thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên

Đánh giá về một số cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có việc tăng cường kết nối và đầu tư cơ sở hạ tầng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nhận định, là một đại biểu được sinh sống, công tác ở vùng Tây Nguyên, đại biểu bày tỏ vui mừng khi Quốc hội đã đưa ra thảo luận tại Kỳ họp này dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển thành phố Buôn Ma Thuột; khẳng định điều này có ý nghĩa rất lớn cho vùng Tây Nguyên.

Theo đại biểu, vùng Tây Nguyên có diện tích khá lớn, khoảng 55 nghìn km2, trong đó diện tích nông nghiệp chiếm khá cao, khoảng 44 %. Với tiềm năng, lợi thế đó, hiện nay, Tây Nguyên phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê, cao su, chè, sầu riêng. Như vậy, việc đầu tư phát triển và kết nối hạ tầng giao thông ở Buôn Ma Thuột, trong đó có vùng Tây Nguyên sẽ tạo được liên kết vùng và thuận lợi cho kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa vùng Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và đặc biệt là sự phát triển khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campchia sẽ góp phần để nông dân nâng cao đời sống, từ kết nối, tiêu thụ sản phẩm, mặt hàng chủ lực của các địa phương.

Bên cạnh đó, việc đầu tư kết nối hạ tầng ở các vùng Tây Nguyên sẽ tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn trong phát triển vùng Tây Nguyên, nhất là những dự án lớn liên quan tới phát triển nông sản-các mặt hàng chủ lực tại địa phương; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương nâng cao, phát triển được các loại hình ứng dụng công nghệ cao, từ đó tăng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, khi thu hút được các nhà đầu tư lớn, Tây Nguyên sẽ phát triển được các hoạt động thương mại, du lịch, nhất là du lịch sinh thái phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng cho rằng, nếu Tây Nguyên được phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo tương thích trong hệ thống giao thông hiện nay với cả nước, người dân trong vùng sẽ tiết kiệm chi phí đi lại, thuận lợi về thời gian để đầu tư cho công việc, học tập, nâng cao trình độ mọi mặt để tham gia và phát triển đời sống kinh tế-xã hội; đặc biệt là sự giao thoa văn hóa vùng miền ở Tây Nguyên với các tỉnh Nam Bộ và các địa phương trong cả nước.

Về đấu giá biển số xe

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu băn khoăn mức trần đấu giá biển số đẹp ở các địa phương khác nhau sẽ dẫn tới việc người dân đổ xô tới các tỉnh, thành để mua.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đẹp đưa ra đấu giá, được áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá. Cụ thể, vùng 1 gồm: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại có mức đấu giá khởi điểm là 20 triệu đồng. “Tôi nghĩ mức giá trần 20 và 40 triệu đồng là phù hợp với mức đấu giá khởi điểm ban đầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người nếu muốn được tham gia đấu giá. Chứ nếu mức giá trần cao, tiền đặt cọc cao, khả năng không có nhiều người tham gia đấu giá”.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, theo đề xuất của Chính phủ, số tiền trúng đấu giá sẽ đưa vào ngân sách của Trung ương. Sau đó Trung ương sẽ có sự phân bố từng tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, không nên đưa hoàn toàn 100% số tiền trúng đấu giá biển số đẹp đó vào ngân sách Trung ương, mà nên tính theo tỷ lệ ngân sách Trung ương, một phần của ngân sách địa phương.

Còn đại biểu Trịnh Lâm Sinh (An Giang) lại băn khoăn về mức đấu giá khác nhau giữa hai thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Đại biểu cho rằng, có khả năng thay vì mua đấu giá với mức khởi điểm ở những thành phố lớn, người dân sẽ đổ xô về mua ở các tỉnh, thành với mức giá rẻ hơn một nửa mà số cũng đẹp. "Tôi nghĩ nên có một mức giá thì hay hơn. Khi đưa ra, kể cả công dân ở thành phố hay ở tỉnh, huyện, nếu có điều kiện họ có thể tiến hành đăng ký đấu giá. Biển số đẹp chỉ có công dân có nhiều tiền thì họ mới mua đấu giá, có những biển số đẹp không ai mua, sẽ dôi dư ra, biển số này sẽ đi đâu?...", đại biểu Sinh nêu ý kiến.

Thu Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-tri/tao-thuan-loi-cho-lien-ket-vung-giua-tay-nguyen-voi-cac-dia-phuong-20221026124419423.htm