Tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế
Tiếp tục phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid – 19 chiều nay, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh, lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp; Nhà nước cần tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Các đại biểu Quốc hội cũng tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 dự báo sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp.
Lộ trình mở cửa kinh tế chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp
Theo ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai), đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước để từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu.
Với diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 như hiện nay, việc quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 không thể tách rời với các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là lộ trình mở cửa nền kinh tế và quy mô, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các gói an sinh xã hội. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị, trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi cả nước; xử lý triệt để những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc gia, mạng lưới logistics; tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế. Cần đưa ra lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế nhất quán với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19. “Lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Cùng với đó, đại biểu tỉnh Hải Dương cũng đề nghịcần phát huysự điều chỉnh tự nhiên của thị trường thông qua việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính do sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu nhất quán giữa các quy định liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đầu tư tư nhân. Chúng ta cần những gói hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp, các hợp tác xã, những hộ sản xuất kinh doanh đang khó khăn về tài chính, nhưng giải pháp căn cơđể thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, giúp doanh nghiệp phục hồi và tái cơ cấu vẫn phải là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khai thông mọi điểm nghẽn về thủ tục hành chính.
Sử dụng đầu tư công nhưcông cụ kích thích tổng cầu
Tại phiên thảo luận hôm nay, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDPnhư Chính phủ trình trong kế hoạch 2022. Nhất trí đề xuất này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy, để phục hồi kinh tế sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chúng ta đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ. Do đó, đại biểu đề nghị cần sử dụng đầu tư công nhưcông cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội. Cần rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cầu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư. “Hiện nay, tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hằng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ khi phải linh hoạt ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát”, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ đề nghị tốc độ tăng GDP khoảng 6-6,5% so với năm 2021, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, dường như Chính phủ chưa dự báo hết tình hình dịch Covid - 19 trong năm tới và khả năng phục hồi của các địa bàn kinh tế trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề hiện nay. Đồng tình với chỉ tiêu GDP như Chính phủ dự tính để có những cân đối vĩ mô thích hợp, nhưng đại biểu cũng đề nghị, cần có những tính toán mang tính đột phá hơn, “không thể làm như cách cũ trong giai đoạn mới”.
Dịch Covid - 19, tuy gây ra những hậu quả nặng nề, nhưng thực tiễn cũng chỉ cho chúng ta những cơ hội để không chỉ phục hồi kinh tế, mà hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Do đó, cần có chính sách và giải pháp tạo động lực đủ mạnh cho doanh nghiệp tái cơ cấu và chuyển đổi số, tận dụng những ưu đãi của các hiệp định FTA song phương và đa phương, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quan hệ kinh tế toàn cầu, tạo mối quan hệ gắn kết giữa khu vực kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài. Đại biểu đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng và trình quốc hội ban hành Chương trình quốc gia trung hạn phục hồi kinh tếtrong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khắc phục những tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020 - 2021 và tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong các năm sau; gắn nội dung của chương trình này với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.