Tạo vị thế mới, cơ sở pháp lý vững vàng hơn cho DATC
Một số cơ chế đã được bổ sung, một số vướng mắc đã được tháo gỡ, phần nào giúp Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) có thêm điểm tựa pháp lý, thêm cơ chế để mở rộng hoạt động, nâng cao hiệu quả hỗ trợ quá trình cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính.
Đó là đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế khi DATC triển khai Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27/10/2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động DATC.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP đã tạo vị thế mới, một cơ sở pháp lý vững vàng hơn cho DATC so với việc hoạt động theo một quyết định của Chính phủ.
Tại Nghị định, một số cơ chế đã được bổ sung, một số vướng mắc đã được tháo gỡ, phần nào giúp DATC có thêm điểm tựa về pháp lý, thêm cơ chế để mở rộng hoạt động, nâng cao hiệu quả hỗ trợ quá trình cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính.
Đây là một bước nâng cao vị thế pháp lý, tạo điều kiện cho hoạt động của công ty. DATC không đơn thuần chỉ hoạt động mua nợ để bán, thu nợ hay xử lý tài sản để thu nợ mà thông qua mua nợ, DATC còn thực hiện tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp khách nợ.
Tái cơ cấu doanh nghiệp là một quá trình phức tạp với rất nhiều công việc liên quan bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, hệ thống quản trị, điều hành của doanh nghiệp...
Trong đó, tái cơ cấu tài chính là hoạt động đầu tiên và rất cần thiết với các biện pháp nghiệp vụ như: Giảm bớt một phần nghĩa vụ trả nợ cho doanh nghiệp, chuyển nợ thành vốn góp; điều chỉnh kế hoạch trả nợ; và giúp doanh nghiệp huy động thêm vốn từ việc phát hành cổ phiếu, hoặc giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng…
Xử lý nợ xấu thông qua bán và thanh lý có ưu điểm là giải quyết nhanh nợ xấu, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi nợ xấu khá thấp. Ngược lại, tái cơ cấu nợ và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi nợ xấu của biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu cao hơn khá nhiều so với bán và thanh lý nợ xấu.
Do đó, mô hình công ty xử lý nợ xấu như DATC là một mô hình phổ biến ở nhiều nước, nhằm không chỉ vực dậy các doanh nghiệp yếu kém mà còn đem lại những lợi ích lớn về an sinh, ổn định xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc mở rộng hoạt động, bổ sung cơ chế cho DATC sẽ giúp công ty tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường mua bán nợ, đây là điều tích cực để phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam. Theo vị chuyên gia này, cần bổ sung một số cơ chế để DATC có thể cung cấp tài chính và bảo lãnh cho doanh nghiệp cần tái cơ cấu.
Nếu cơ chế hoạt động được mở ra tương tự Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), thì DATC sẽ phát huy được tối đa năng lực để nâng cao vị thế, vai trò trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ trong nền kinh tế. Ngoài ra, DATC cũng cần thêm các cơ chế mới tạo điều kiện áp dụng các phương thức xử lý nợ tiên tiến, đạt hiệu quả cao như: Mua bán xử lý nợ theo lô, chia sẻ lãi lỗ…
Phân tích thêm về nội dung này, một số chuyên gia tài chính – ngân hàng nhấn mạnh: Trên thực tế, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định đối tượng áp dụng là: “Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng”. Với tiêu chí này, DATC cũng chính là doanh nghiệp nhà nước và lâu nay vẫn thực hiện mua bán, xử lý nợ xấu từ các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp. Như vậy, Nghị quyết số 42/2017/QH14 có phải chỉ dành riêng cho một đối tượng là VAMC hay không là một vấn đề cần được làm rõ.
Nếu cơ chế hoạt động được mở ra tương tự Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), thì DATC sẽ phát huy được tối đa năng lực để nâng cao vị thế, vai trò trong lĩnh vực mua bán xử lý nợ trong nền kinh tế.
Thị trường mua bán nợ của Việt Nam vẫn còn rất sơ khai với chủ lực là VAMC và DATC. Hai công ty này có thị trường hoạt động khác nhau. DATC đang “lép vế” hơn VAMC về phạm vi hoạt động. Do đó, cần tăng cường vai trò của DATC đồng thời với việc phát triển thị trường mua bán nợ. Đến khi thị trường đã trưởng thành hơn, có nhiều thành phần tham gia thì có thể tính đến việc điều chỉnh vai trò của DATC.
Thực tế, hợp tác với DATC các doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi hợp tác với ngân hàng xử lý nợ xấu, vì DATC có các giải pháp tài chính hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp khó khăn, cần tái cơ cấu, như có thể có các giải pháp về dòng tiền, giải pháp về cơ cấu lại nợ sao cho có lợi cho doanh nghiệp, miễn là có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp.