Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Theo thống kê, huyện Phù Yên hiện có trên 58.000 người trong độ tuổi lao động, thời gian qua, huyện Phù Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, để người lao động tìm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ; bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Ông Cầm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến chương trình giải quyết việc làm tới nhân dân. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, các đơn vị tuyển dụng lao động tổ chức hội nghị tư vấn tuyển dụng lao động, tập trung vào các nội dung về: Chính sách dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm của huyện, của tỉnh; các chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động của từng đơn vị tuyển dụng, để người lao động tìm hiểu và đăng ký tham gia chương trình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phù Yên triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị tuyển dụng có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, như: Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp BROTHER Việt Nam; Công ty đào tạo nghề, xuất nhập khẩu lao động thuộc Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET); Công ty TNHH Đầu tư phát triển nguồn nhân lực (IRE); Công ty Sam Sung khu công nghiệp Bắc Ninh; Công ty may Tinh Lợi; Công ty CP CSS Gia Huy... để tuyển dụng lao động. Đồng thời, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm tại các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh, tìm hiểu hoạt động, chế độ đãi ngộ của các doanh nghiệp, từ đó thực hiện các chương trình tư vấn, tuyển dụng lao động của huyện và các đơn vị tuyển dụng.
Cùng với tư vấn giới thiệu việc làm, công tác đào tạo nghề cũng được huyện Phù Yên quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, tổ chức đào tạo nghề cho 1.259 người, trong đó 529 lao động được đào tạo tại huyện và 730 người đào tạo nghề tại các doanh nghiệp ngoài huyện, ngoài tỉnh. Hiện, toàn huyện có 23.718 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh. Trong đó, 3.326 người làm việc tại Công ty TNHH May Phù Yên, Xí nghiệp giầy Ngọc Hà Phù Yên, Công ty CP Thành An Sơn La - Nhà máy gạch Tuynel Phù Yên; 20.392 người đi làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Qua khảo sát, phần lớn số lao động đi làm việc ở các tỉnh có mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Kim Bon, cho biết: Xã hiện có trên 700 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Hầu hết người lao động đều trong độ tuổi từ 18-40 tuổi. Nguồn tiền mà lao động đi làm xa gửi về cho người thân đã đóng góp đáng kể cho việc nâng cao thu nhập bình quân chung của địa phương. Đồng thời, từ nguồn tiền này đã được các hộ dân sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Thực hiện cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn vốn Quỹ việc làm của tỉnh, đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt cho vay hỗ trợ tạo việc làm và mở rộng việc làm từ quỹ Quốc gia việc làm cho 474 người, với kinh phí là 24 tỷ đồng, tại 16 xã trong huyện. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình ở các xã đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gia súc nhốt chuồng, trồng mới cây ăn quả, cải tạo vườn tạp...
Năm 2019, gia đình chị Sa Thị Kiên, bản Nà Lò 1, xã Huy Hạ, được vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phù Yên để đầu tư mua bò giống. Chị Kiên thông tin: Sau khi nhận tiền vay, tôi được tư vấn sử dụng 45 triệu đồng để mua 3 con bò giống, 5 triệu đồng còn lại làm chi phí mua thức ăn, tiêm phòng cho gia súc. Nhờ chăm sóc tốt, bò lớn nhanh, hiện số bò đã tăng lên 10 con bò, đến tháng 6 vừa qua gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng, cuộc sống gia đình hiện tại đã khá hơn trước nhiều.
Thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp ngoài tỉnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, vận động người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp có khả năng thu hút nhiều lao động từ khâu nhận người vào đào tạo, bố trí tuyển dụng lao động sau khi đào tạo với mục tiêu hỗ trợ lao động địa phương có việc làm, có thu nhập ổn định và nâng cao mức sống.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/tao-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-52640