Tạo việc làm cho lao động trẻ ở nông thôn
Năm 2024, huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đã triển khai hiệu quả chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, bà con có việc làm ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Năm 2018, chị Đinh Thị Khon (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) lập gia đình và được bố mẹ chồng cho 1,2 ha đất để sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về nông nghiệp nên các loại cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp. Để có tiền trang trải cuộc sống, vợ chồng chị đi làm thuê nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
“Tháng 9 vừa qua, tôi được tham gia lớp học trồng rau an toàn do địa phương tổ chức. Sau 2 tháng theo học, tôi đã nắm vững các kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Sau đó, tôi đã áp dụng trồng 2 sào dưa leo để phát triển kinh tế. Vụ dưa leo vừa rồi, tôi thu nhập được 8 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so với vụ trước. Hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng dưa leo và ớt để tăng thu nhập cho gia đình”-chị Khon chia sẻ.
Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho biết: Năm 2024, địa phương đã phối hợp mở 2 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn và sửa chữa xe máy với 54 học viên tham gia. Các lớp đào tạo nghề giúp người dân nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tiễn, giúp họ tự tin khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tương tự, anh Đinh Anưh (làng Bút, xã An Thành) cho hay: Sau khi kết hôn vào năm 2010, vợ chồng anh được bố mẹ cho 1,5 ha đất để trồng mì và bắp. Vì thiếu kiến thức sản xuất nông nghiệp nên năng suất thấp, thu nhập không đáng bao nhiêu. Tháng 9-2024, anh tham gia lớp học nghề sửa chữa máy cắt cỏ và máy phun thuốc trừ sâu. Sau 2 tháng theo học, anh đã nắm vững các kỹ thuật cơ bản và quy trình sửa chữa máy.
Anh bộc bạch: “Đến nay, tôi đã có thể tự sửa chữa máy cắt cỏ và máy phun thuốc trừ sâu. Năm 2025, tôi dự định vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mở tiệm sửa chữa máy cắt cỏ nhằm kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Ông Nguyễn Xuân Linh-Công chức Văn hóa-Xã hội xã An Thành-thông tin: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2.064 người trong độ tuổi lao động. Hầu hết lao động tham gia sản xuất nông nghiệp và chưa qua đào tạo nghề. Năm 2025, xã dự định phối hợp với các đơn vị liên quan mở 5 lớp dạy các nghề: trồng rau an toàn; trồng lúa năng suất cao; nuôi và phòng bệnh cho trâu, bò, gà; sửa chữa máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu.
“Qua khảo sát, các nghề này phù hợp với nhu cầu thực tế của lao động địa phương. Việc được đào tạo nghề sẽ giúp người lao động nắm vững kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc, từ đó áp dụng vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả sản xuất”-ông Linh chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Trịnh Thị Thanh Hòa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Năm 2024, UBND huyện phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho 351 lao động nông thôn. Trong đó có 8 lớp về nông nghiệp và 4 lớp phi nông nghiệp. Nhờ đó, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trên địa bàn huyện lên mức 60,83%, đạt 131,38% kế hoạch đề ra. Đồng thời, góp phần giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.
“Điều đáng mừng là nhiều lao động sau khi được học nghề đã kết hợp với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, trong đó một số hộ đã chuyển đổi mô hình kinh tế, thay thế các cây trồng truyền thống kém hiệu quả bằng các loại cây có thu nhập cao hơn. Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, Phòng phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp tuyên truyền, tổ chức các phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tìm kiếm công việc phù hợp nhằm ổn định thu nhập, nâng cao đời sống”-bà Hòa thông tin thêm.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tao-viec-lam-cho-lao-dong-tre-o-nong-thon-post305311.html