Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn
Với mong muốn mang lại chất lượng cuộc sống ổn định, tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ ở nông thôn, chị Nguyễn Thị Minh Yến quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh doanh, thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Để thành lập được HTX thu hút nhiều hội viên tham gia thời gian đầu, chị Minh Yến trải qua không ít khó khăn khi đặt “nền móng” cho việc xây dựng, triển khai những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tháng 3-2010, chị Yến thành lập tổ đan thảm lục bình với số thành viên ban đầu là 70 người. Công việc thu hút phần đông là chị em phụ nữ tham gia, ngoài công việc đồng áng, việc nội trợ trong gia đình, mọi người thường tranh thủ những giờ nông nhàn để đan lục bình.
Chị Yến cho biết, Vĩnh Long là vùng đồng bằng chuyên về trồng lúa nước, bên cạnh đó, cũng có thêm nhiều nghề phụ. Do không có phương tiện, không vốn, lại thêm gánh nặng gia đình cho nên chị em thường chọn học nghề thủ công mỹ nghệ tại nông thôn như đan lát, đan thảm lục bình, đan nhựa…, trong đó, nghề đan thảm lục bình thu hút nhiều người tham gia nhất. Nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tuy là nghề phụ, nhưng nếu khéo tay, chịu khó, nghề này mang lại thu nhập cao, đồng thời có việc làm quanh năm. Đây là những mặt hàng đơn giản, không cầu kỳ trong cách đan cho nên những người lớn tuổi hoặc người trẻ đều có thể tham gia. Đặc biệt, sản phẩm lục bình là không sơn mầu, giữ nguyên mầu tự nhiên, nhiều chị em khéo tay đã sáng tạo, hướng dẫn nhau cách kết cườm nhựa, trang trí hoa, cỏ khô… nhằm sản xuất ra sản phẩm mẫu mã đa dạng, tăng số lượng tiêu thụ cho cơ sở kinh doanh.
Qua bảy năm hoạt động, tổ đan lục bình tạo sức hút với nhiều hội viên phụ nữ, chị Yến quyết định thành lập HTX Nông nghiệp Hậu Thành đa ngành nghề vào năm 2017. Ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ chị em trong công việc đồng áng, còn thường xuyên tổ chức các lớp học đan để dạy cho các chị em phụ nữ đan gia công. Phần lớn chị em phụ nữ lớn tuổi, trung bình một người làm giỏi có thể kiếm từ 35 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/ngày. HTX luôn khuyến khích những hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia học nghề góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Đến nay, HTX giải quyết việc làm giúp hơn 200 chị em phụ nữ ở địa phương và các vùng lân cận, từ đó mở rộng việc kinh doanh, nhận được nhiều đơn hàng từ các công ty ở Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên nghiên cứu các mẫu mã mới để giới thiệu sản phẩm cho nhiều công ty khác. Là một trong những thành viên của HTX, những năm trước, cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Mười (SN 1956) còn bấp bênh, không ổn định. “Từ khi được HTX hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, hoàn cảnh gia đình tôi ổn định hơn. Đến bây giờ, mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng vẫn có cái nghề để duy trì cuộc sống. Đó là niềm vui, động lực cho tôi và các thành viên trong gia đình cùng cố gắng”, bà Mười cho biết.
Những năm gần đây tại Vĩnh Long, sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu lục bình phát triển khá mạnh, không chỉ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn. “Từ khi phát triển nghề đan lục bình, cây lục bình cũng được khai thác mạnh”, chị Yến cho biết. Việc khai thác lục bình giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là nông dân thiếu đất sản xuất. Những hộ dân này tận dụng các kênh rạch bỏ trống và các bãi bồi để nuôi trồng lục bình thu hoạch hằng tháng, bình quân mỗi hộ thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.
Mặc dù nhu cầu sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều và cơ hội phát triển nghề này trong tương lai rất lớn, nhưng theo chị Yến, để dựa vào nghề này phát triển kinh tế gia đình, coi đó là nguồn thu nhập ổn định vẫn còn nhiều bấp bênh do hiện nay HTX đang đứng trước khó khăn nhất là thiếu vốn mua nguyên liệu do giá nguyên liệu đầu vào rất cao, khó khăn trong việc xoay vòng vốn. “Không phải địa phương nào cũng có nghề thủ công, nhiều địa phương, lao động nữ vẫn quẩn quanh với nghề nông, trong khi sự phát triển của khoa học - công nghệ, tự động hóa như hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp cơ hội việc làm cho phụ nữ”, chị Yến cho biết.
Do đó, để duy trì và phát triển nghề đan lục bình nói riêng, cũng như các ngành nghề thủ công khác nói chung, chị Minh Yến mong muốn cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng nhằm đề ra chính sách, phương hướng trong việc hỗ trợ vốn cho các HTX duy trì hoạt động, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn có việc làm; đồng thời vận động, tuyên truyền người dân trồng và khai thác nguyên liệu cây lục bình trong tự nhiên hợp lý, có hiệu quả.