Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động các xã biên giới
ĐTO - Từ năm 2016 – 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đào tạo nghề, việc làm cho người dân các xã biên giới. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, phối hợp triển khai các đề án, dự án, tổ chức các phiên, sàn giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn giúp người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã khu vực biên giới tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm. Qua đó đã tuyên truyền, kết hợp phát hơn 1.800 tài liệu có nội dung về giáo dục nghề nghiệp, 12.000 tờ rơi có nội dung về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mỗi năm, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH có kế hoạch, lộ trình đầu tư hệ thống trường trung cấp về trang thiết bị đào tạo. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học... cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2016 – 2020, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 30.000 lao động, trong đó riêng chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa hơn 1.000 lao động làm việc tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...
Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp xây dựng kế hoạch tổ chức phiên, sàn giao dịch việc làm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố. Trong đó có các phiên chuyên đề về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và đào tạo được tổ chức tại các huyện, thị xã khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, học sinh, sinh viên tham gia. Trong công tác đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan phối hợp đào tạo nghề phi nông nghiệp tại 8 xã biên giới được 68 lớp cho hơn 1.500 học viên. Từ nguồn phân bổ vốn vay giải quyết việc làm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn vay giải quyết việc làm mới bổ sung cho 12 huyện, thị xã, thành phố với số tiền là 21,8 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên vốn cho các dự án phi nông nghiệp thuộc xã điểm nông thôn mới, xã biên giới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, làng nghề, mô hình Hội quán. Dự kiến năm 2020, sẽ mở 15 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp tại các xã biên giới cho 350 học, với tổng kinh phí dự toán trên 479 triệu đồng. Tại huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và TX.Hồng Ngự, từ đầu năm 2016 đến tháng 6/2020, tại các xã biên giới có 10.216 lao động được giải quyết việc làm. Trong đó, huyện Hồng Ngự có 3.167 lao động, TX.Hồng Ngự có 3.450 lao động, huyện Tân Hồng 3.599 lao động. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã biên giới đã vận động đưa được 355 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể tại huyện Hồng Ngự có 138 lao động, TX.Hồng Ngự có 81 lao động và huyện Tân Hồng 136 lao động.
Theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH, sau học nghề có khoảng 80% lao động học nghề áp dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào thực tế hoặc ứng dụng nâng cao hiệu quả sản xuất, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình. Đến cuối năm 2020, Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Lĩnh vực đào tạo nghề tập trung gồm nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tổ chức vận động lao động tham gia các phiên, sàn giao dịch việc làm tập trung và di động. Vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn chương trình, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, xây dựng các công trình, mô hình khả thi với mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm tại địa phương...