Tạo xung lực cho xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ

Đông Nam Bộ chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Đông Nam Bộ là vùng kinh tế có nhiều lợi thế phát triển sản xuất và thương mại. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của vùng cần nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng xúc tiến thương mại, logistics và quy hoạch hiệu quả vùng nguyên liệu tập trung.

Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/7, tại Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin, Đông Nam Bộ chỉ chiếm hơn 7% tổng diện tích và gần 20% dân số cả nước, nhưng là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Asean…

Đông Nam Bộ cũng là vùng có cơ sở hạ tầng phát triển rõ nét trong những năm gần đây, phản ánh qua tiến độ xây dựng hàng loạt các dự án quan trọng như sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc.

Theo bà Phan Thị Thắng, bên cạnh lợi thế, Đông Nam Bộ cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như: Tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế còn đang rất nhiều, chưa khai thác hết. Lĩnh vực công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm.

Phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý; chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực. Thêm vào đó, mối quan hệ vùng và liên kết vùng trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu chưa được quan tâm thỏa đáng.

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đông Nam Bộ cũng được kỳ vọng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm bên lề Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm bên lề Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

"Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, Đông Nam Bộ cần phải thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Muốn vậy, vùng Đông Nam Bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá." bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Do vậy, Tp. Hồ Chí Minh cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA), các chính sách hiện có để đẩy mạnh liên kết và theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, liên kết vùng Đông Nam Bộ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong những ưu tiên hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực. Để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, các địa phương cần tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ; nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Khi các tỉnh, thành trong vùng cùng nhau hợp tác sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc liên kết vùng cũng giúp tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả, từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm hàng hóa của vùng trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, Bà Rịa – Vũng Tàu từ lâu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu định hướng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị giá tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới logistics đồng bộ rất cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; trong đó có cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động chuyên nghiệp. Song song đó, cần nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp ngành hàng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu lớn nhưng phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt là các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên “điểm nghẽn” lớn nhất trong việc liên kết vùng thời gian qua là thiếu hệ thống kho bảo quản, kho lạnh dành cho nông sản, thực phẩm. Nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế, trong khi chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp cũng rất khó tiếp cận và chưa khuyến khích liên kết vùng.

“Để phát huy hiệu quả trong việc liên kết xây dựng chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ ở khu vực cũng như xuất khẩu, bên cạnh hạ tầng giao thông Tp. Hồ Chí Minh và hội đồng vùng Đông Nam Bộ cần sớm có cơ chế hỗ trợ phát triển hệ thống kho chứa, kho lạnh cho nông sản, thực phẩm nhằm duy trì chất lượng nguồn nguyên liệu, giảm bớt thất thoát, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm của vùng”, bà Lý Kim Chi đề xuất.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tao-xung-luc-cho-xuc-tien-thuong-mai-va-xuat-nhap-khau-vung-dong-nam-bo/342196.html