Tạo xung lực đưa quan hệ Việt Nam - Pháp lên tầm cao mới

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và phu nhân thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến 27-5.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hòa bình, hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo, tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực đang trải qua những biến động nhanh chóng, mang tính bước ngoặt. Kinh tế thế giới gia tăng bất ổn, nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang buộc các quốc gia phải đẩy mạnh kết nối nhằm đối phó với các biến động, bù đắp thiếu hụt thị trường, tăng cường chủ nghĩa đa phương.

Pháp là một trong những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới với các thế mạnh về khoa học-công nghệ, hàng không vũ trụ, thiết bị giao thông vận tải, năng lượng, chế tạo cơ khí, viễn thông, dịch vụ và du lịch. Pháp cũng tiếp tục duy trì vị thế, uy tín chính trị cao trên thế giới và tại các tổ chức quốc tế với đường lối đối ngoại chủ động, tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược tại khu vực, trong đó có Việt Nam.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đón Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và phu nhân tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải đón Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và phu nhân tại Sân bay quốc tế Nội Bài.

Trong khi đó, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, đang đẩy mạnh triển khai các mục tiêu phát triển, ban hành các chủ trương lớn về đột phá khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Trên chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam-Pháp phát triển ngày càng tốt đẹp. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ năm 1973, nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược năm 2013 và đối tác chiến lược toàn diện năm 2024, đưa Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có mức quan hệ cao nhất với Việt Nam.

Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, nổi bật gần đây là các chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 10-2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11-2021), chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (2022). Hai nước duy trì nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác; chia sẻ nhiều điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN-EU, Cộng đồng Pháp ngữ...

Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư và hợp tác phát triển, Pháp là một trong những đối tác châu Âu hàng đầu và là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,42 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm trước. Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 700 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 3,95 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt gần 39 triệu USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Pháp như Airbus, Thales, EDDF... mong muốn tham gia đầu tư vào các dự án tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, hạ tầng chiến lược, giao thông đô thị, đường sắt, hàng không vũ trụ...

Hợp tác quốc phòng, an ninh là một trong các trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, thể hiện qua các cuộc họp tham mưu, đối thoại an ninh, đào tạo sĩ quan... Đáng chú ý, năm 2024, lần đầu tiên một Bộ trưởng Quân đội Pháp tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, là dấu mốc quan trọng khẳng định mong muốn của Pháp trong việc cùng Việt Nam “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Cùng với đó, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật... diễn ra sôi động và ngày càng phát triển.

Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân thể hiện sự coi trọng của Pháp đối với vai trò, vị thế và quan hệ với Việt Nam-đối tác quan trọng của Pháp tại Đông Nam Á và trong tổng thể chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chuyến thăm cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các kết quả từ chuyến thăm Pháp năm 2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; góp phần khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế.

Trên cơ sở đó, chúng ta tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, tạo xung lực đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác ASEAN-EU vì hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của thế giới.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tao-xung-luc-dua-quan-he-viet-nam-phap-len-tam-cao-moi-829925