Tạo xung lực mới cho Hà Nội phát triển
Ngày làm việc cuối cùng của năm 2023 (ngày 29-12), các chuyên gia, nhà khoa học cùng gặp nhau tại hội thảo khoa học nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức.
Những hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ cùng việc nhìn nhận nguyên nhân và đề xuất giải pháp hoàn thành các mục tiêu của chiến lược trong thời gian tới, cũng như hoàn thiện các đồ án quy hoạch mà thành phố đang lập.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Ngày 22-2-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện, Tiến sĩ Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khái quát, tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm của Hà Nội trong cả thời kỳ 2011-2020 cao gấp 1,12 lần so với bình quân cả nước, tương đương so với thành phố Hồ Chí Minh, nhưng thấp so với mặt bằng chung của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, kết quả này còn khiêm tốn so với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng 12-13%/năm.
Hà Nội luôn là thành phố đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố xét về quy mô kinh tế, chiếm khoảng 12,5-12,6% tổng GDP cả nước. Nhưng xét trong vùng Đồng bằng sông Hồng, quy mô GRDP của Hà Nội đã giảm từ 48% năm 2010, xuống 46,9% năm 2015 và 43,1% năm 2020, do sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều địa phương khác.
Bên cạnh đó, nhiều tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra, như tăng trưởng kinh tế còn chậm; GRDP/người không đạt chỉ tiêu đề ra. Chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Phát triển công nghiệp chưa tập trung, chưa tạo đột phá. Tương tự, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa như kỳ vọng. Môi trường đầu tư của thành phố chưa tạo ra những điểm vượt trội.
Về phát triển văn hóa, Hà Nội đã đầu tư tôn tạo di tích, tổ chức các lễ hội, xây dựng thiết chế văn hóa, phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư. Thành phố là trung tâm giáo dục và đào tạo nhân lực lớn của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Hà Nội cũng là trung tâm y tế lớn của cả nước, tập trung các cơ sở y tế đa khoa và chuyên khoa chất lượng hàng đầu Việt Nam. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách mở rộng…
Song cũng như kinh tế, trong phát triển văn hóa, thành phố chưa xây dựng được văn hóa sống, làm việc tương xứng với Thủ đô văn hiến - văn minh. Việc phát huy, bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa - lịch sử chưa hiệu quả. Các nguồn lực tài chính, đất đai, con người… cho phát triển văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Đặc biệt, các mảng văn hóa hiện đại, như: Công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, giải trí... chưa tương xứng với tầm vóc của Thủ đô.
Về phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng và môi trường, quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chưa hiệu quả. Tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng tập trung khu vực nội đô, chất lượng đô thị hóa chưa cao. Hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt khu vực nội đô. Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt không khí và các dòng sông nội đô chưa được khắc phục.
Tích cực hoàn thành nhiều chỉ tiêu lớn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, tốc độ tăng trưởng của Hà Nội chưa tương xứng với nguồn lực, năng lực và tiềm năng của Thủ đô, là do Hà Nội thiếu động lực tăng trưởng mới, thiếu các điều kiện trở thành nơi hội tụ quốc gia, là trung tâm hội nhập quốc tế. Ngoài ra, hai yếu tố phát huy lợi thế của Hà Nội đều vắng bóng trong giai đoạn vừa qua là tư duy phát triển và các điều kiện, công cụ phát huy nguồn lực.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, 10 năm qua, tỷ trọng vốn đầu tư ở Hà Nội so với cả nước không tăng mà có xu hướng giảm. Ngoài cạnh tranh với quốc tế, Hà Nội đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ ngay từ chính các tỉnh xung quanh với sự phát triển năng động. Trong phát triển văn hóa, Hà Nội đang thiếu các thể chế để có thể phát triển công nghiệp văn hóa, lĩnh vực được kỳ vọng tạo nguồn lực mới cho phát triển thành phố.
Với cách nhìn bao quát liên quan đến bối cảnh ban hành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc đánh giá kết quả thực hiện chiến lược cần "khách quan, bình tâm và thực tiễn". Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đã có tốc độ phát triển đặc thù, năng động và “đa sắc”, tuy nhiên thành phố chưa phát huy được vai trò, vị thế của Thủ đô, đặc biệt trong mối quan hệ với vùng.
Với vai trò đồng chủ trì hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khái quát, sau nửa chặng đường thực hiện chiến lược cho thấy nhiều nội dung được nêu tại Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện tư tưởng chỉ đạo của trung ương, Chính phủ với Hà Nội. Trong đó, đáng lưu ý, còn nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng đang tiếp tục đặt ra trong chặng đường còn lại, đòi hỏi thành phố phải tích cực, nhanh chóng và gấp gáp hơn để hoàn thành, đặc biệt là phát huy tính chủ động, lan tỏa vai trò dẫn dắt, đi đầu của Thủ đô trong cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh: Cần đổi mới tư duy xây dựng, phát triển Thủ đô 10 năm qua, Hà Nội đã cơ bản quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nội dung chủ yếu của chiến lược vẫn còn giá trị để lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về quan điểm chỉ đạo phát triển Thủ đô Hà Nội, cần lưu ý đổi mới tư duy, xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, thông minh, xanh và an toàn dựa trên cơ sở đi đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mô hình phát triển Thủ đô Hà Nội phải là đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường, gắn với giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; lấy giá trị bản sắc văn hóa đặc sắc của con người Việt Nam là yếu tố, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc thù về du lịch, nông nghiệp và thương mại, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội: Hành động thiết thực vì lợi ích của nhân dân Trong nhiều giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao đời sống nhân dân không chỉ dừng ở chủ trương, biện pháp mà phải bằng hành động thiết thực vì lợi ích của nhân dân. Trên cơ sở đó, các địa phương cần xây dựng chương trình hành động của đơn vị mình theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Trong chương trình, kế hoạch hành động phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức và các thành viên. Theo định kỳ, có đánh giá rút kinh nghiệm, tìm ra bài học hoặc việc làm thiếu sót để bổ sung, sửa chữa. PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nguồn lực nội sinh từ hệ giá trị văn hóa, con người Để phát triển hài hòa, cân đối cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa, Hà Nội cần tăng cường sự lãnh đạo, quản lý đồng bộ, hệ thống trên cả ba lĩnh vực này, tránh nhìn nhận đơn tuyến, một chiều về một lĩnh vực. Nếu phát hiện xung đột, vướng mắc về lợi ích giữa ba lĩnh vực phải tìm ngay giải pháp dung hòa. Tuy nhiên, cần ưu tiên hệ giá trị về chính trị và văn hóa của Hà Nội. Hơn hết, hệ giá trị văn hóa, con người sẽ là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để xây dựng và phát triển Hà Nội. Con người Hà Nội với hệ giá trị văn hóa đặc thù của Thủ đô là chủ thể quan trọng, đặc biệt trong quá trình thiết kế và thực hiện chiến lược phát triển Hà Nội lên những tầm cao mới trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triệu Hoa ghi
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tao-xung-luc-moi-cho-ha-noi-phat-trien-367490.html