Tạp chí khoa học cần được chú trọng
Vừa qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo 'Sơ kết, đánh giá việc thực hiện quy hoạch và quản lý báo chí'.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất các bộ ngành liên quan tăng cường quan tâm, phối hợp cùng với VUSTA trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; tiếp tục tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác phối hợp quản lý các tạp chí trực thuộc các Viện là đơn vị Khoa học và Công nghệ (KHCN) trực thuộc VUSTA.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học công nghệ và môi trường (VUSTA) nhấn mạnh việc cần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các tạp chí khoa học.
Tạp chí khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật kiến thức mới, chia sẻ thông tin và thúc đẩy sự phát triển của KHCN. Đổi mới công tác quản lý các tạp chí khoa học là một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và thúc đẩy KHCN phát triển tại Việt Nam.
Theo đó, các tạp chí khoa học cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, như yêu cầu về phản biện, mức độ minh bạch trong quy trình xuất bản và tính độc lập trong đánh giá bài báo. Đặc biệt, quy trình phản biện cần được công khai, minh bạch và sử dụng các chuyên gia có kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng của các công trình công bố; xây dựng hệ thống xếp hạng tạp chí. Thiết lập một hệ thống đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học trong nước, dựa trên các tiêu chí như chỉ số trích dẫn, mức độ ảnh hưởng và uy tín quốc tế. Điều này sẽ giúp các nhà nghiên cứu dễ dàng lựa chọn nơi xuất bản uy tín. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện. Áp dụng công nghệ số trong tất cả các khâu quản lý, từ lưu trữ, biên tập, phát hành, đến đo lường chỉ số ảnh hưởng.
TS. Lê Công Lương cho rằng, không nên dừng hẳn việc thành lập các tạp chí khoa học. Đối với các tổ chức khoa học, dù trong hay ngoài Nhà nước, nếu hoạt động tốt, có đủ điều kiện, nhất là nhân sự thì có tạp chí khoa học sẽ tốt hơn.
Nêu quan điểm về vấn đề chuyển đổi số, nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam bày tỏ băn khoăn về việc hiện nay số hóa đã là quốc sách, chuyển đổi số là một mục lớn trong Quy hoạch báo chí đến năm 2025, chuyển đổi số cũng là yêu cầu nội tại của các cơ quan báo chí bởi độc giả, khán giả của mình chủ yếu xem báo trên môi trường số. Nhưng không ít cơ quan báo in muốn chuyển đổi số nên quyết định ra bản điện tử của tờ báo, nhưng lại rất khó để được cấp phép.
Ông Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch VUSTA cho hay, căn cứ theo Quyết định 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Đảng Đoàn cùng lãnh đạo VUSTA sau 5 năm thực hiện quyết định đã nghiêm túc triển khai, đảm bảo tính khách quan, khoa học, hiệu quả và tuân theo tinh thần trong Quyết định 362/QĐ-TTg. Trước khi thực hiện Quyết định số 362, VUSTA có 113 cơ quan báo, tạp chí trong hệ thống. Đến nay, VUSTA có 69 cơ quan báo chí, bao gồm 68 tạp chí, 1 tờ báo duy nhất là Báo Tri thức & Cuộc sống.