Tạp chí Kinh tế Môi trường trao nhu yếu phẩm, thăm hỏi bà con lũ lụt tại Yên Bái
Nằm trong chuỗi 'Khởi động hành trình từ Nam ra Bắc, kết nối chia sẻ nhu yếu phẩm đến với đồng bào lũ lụt' của Tạp chí Kinh tế Môi trường, ngày 14/9, những tình cảm của bạn đọc, doanh nghiệp, cán bộ nhân viên tạp chí đã được gửi tới bà con tại Yên Bái.
Thấu hiểu những đau thương, mất mát cả về người và tài sản của bà con các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như tại một số địa phương khác do ảnh hưởng của bão Yagi, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã Khởi động Hành trình từ Nam ra Bắc, kết nối chia sẻ nhu yếu phẩm đến với đồng bào lũ lụt.
Tại hành trình này, Tạp chí kêu gọi tinh thần tương thân tương ái, sự đồng lòng của cộng đồng xã hội, các mạnh thường quân, quý bạn đọc của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, "tương thân tương ái" cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ người dân vùng bị thiệt hại do bão lũ, Tạp chí đã nhận được số lượng lớn nhu yếu phẩm từ TP.Hồ Chí Minh từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu NGK Tiến Thịnh Phát cùng Tập đoàn Amaccao và các nhà hảo tâm trên cả nước và đóng góp của cán bộ, phóng viên tạp chí.
Qua đó, Tạp chí đã trao hàng chục tấn nhu yếu phẩm tới các vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ như: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Quốc Oai, Mỹ Đức (Hà Nội), Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ...
Trong hành trình đó, ngày 14/9, đoàn Tạp chí do Nhà báo Nguyễn Tường Quân, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Ban biên tập thường trực Tạp chí Kinh tế Môi trường; Nhà báo Nguyễn Văn Dân, Trưởng ban Trị sự; Nhà báo Trần Long Giang, Trưởng ban doanh nhân Cộng đồng và một số cán bộ, phóng viên đã lên đường tới tỉnh Yên Bái để trực tiếp trao nhu yếu phẩm tới bà con vùng lũ.
Tại thành phố Yên Bái, nước đã rút, để lại đường phố lầy lội bùn đất, vật dụng ngổn ngang. Bùn tạo những vũng lầy khiến xe dễ bị sa lầy. Mọi con đường lên các điểm cần cứu trợ phải nhích từng bước một, hoặc phải đi đường vòng.
Tính đến 6 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh Yên Bái có 50 người bị chết và mất tích do bão và mưa lũ, sạt lở đất. Tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại và ảnh hưởng gần 5.400ha; gần 23.400 nhà ở bị thiệt hại và ảnh hưởng. Theo thống kê sơ bộ, ước tính thiệt hại khoảng 1.240 tỷ đồng.
Đoàn Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đại diện cho các mạnh thường quân và cán bộ phóng viên tòa soạn tới trao nhu yếu phẩm cần thiết tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên, Yên Bái. Cụ thể, tạp chí đã thay mặt các mạnh thường quân gửi tặng nhu yếu phẩm là thịt, cá đóng hộp, nước tinh khiết đến các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở gây hư hỏng nhà cửa, hoa màu trong địa bàn.
Tại Văn Yên, tang thương nhất là nhà ông Lý Văn Khuyến (thôn Khe Bốn, xã Yên Thái). Chập choạng chiều tối 10/9, mưa như trút nước khiến quả đồi sau nhà ông nhanh chóng bị lở. Đất đá đổ sập, vùi căn nhà cấp 4 chỉ trong tích tắc. Ông Khuyến vốn bị tai biến nặng, kịp thời được con kéo ra khỏi chỗ bùn lầy và đưa đi cấp cứu kịp thời; nhưng 2 người trong nhà ông, trong đó có vợ ông và một lái xe đã không kịp chạy và bị vùi lấp. Chứng kiến nỗi đau mất mát đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã dành một phần thăm hỏi đặc biệt tới gia đình ông Khuyến.
Được biết, đến nay, bão số 3 đã làm 10 người chết và 11 người bị thương trên địa bàn huyện Văn Yên; làm sập đổ hoàn toàn 47 nhà ở, 1.086 nhà bị ngập nước, hơn 7.000 người sống trong vùng có nguy cơ cao được di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Chia sẻ với những mất mát của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục lan tỏa thông điệp lá lành đùm lá rách, chia ngọt sẻ bùi, động viên người dân sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.
Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị để hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng lũ.