Tạp chí Văn nghệ Bình Phước: Nơi truyền cảm hứng sáng tác nghệ thuật
Trong bức tranh tổng thể sinh động của báo chí Bình Phước, không thể không nhắc đến vai trò và những đóng góp quan trọng của Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Tiền thân là Tập san Văn hóa thông tin tỉnh Bình Phước (năm 1999), đến năm 2006 tạp chí chính thức xuất bản và năm 2010 được Bộ Thông tin và Truyền thống cấp giấy phép hoạt động. Từ khi ra đời đến nay, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước không đơn thuần là một ấn phẩm nghệ thuật mà còn là sân chơi để các tác giả, văn nghệ sĩ thể hiện tài năng và cảm hứng sáng tác của mình, là không gian để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm đến với công chúng.
Bà Trịnh Thị Tâm, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Phước, người gắn bó và cộng tác thường xuyên với tạp chí từ khi thành lập đến nay vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi tác phẩm của mình được đăng tải. Đối với bà, tạp chí không chỉ là nơi chia sẻ tác phẩm, là cầu nối để đưa tác phẩm đến với công chúng, độc giả mà còn là diễn đàn giao lưu, học hỏi và khích lệ ươm mầm sáng tạo nghệ thuật. “Tôi rất vui khi mỗi số tạp chí phát hành đều được góp mặt bằng những bài viết theo chủ đề. Đây chính là diễn đàn để văn nghệ sĩ trong tỉnh giới thiệu, chia sẻ những sáng tác mới của mình. Cũng là nơi lan tỏa, bình phẩm những tác phẩm của bạn bè, đồng nghiệp mình yêu thích. Tôi rất biết ơn tạp chí và mong rằng sẽ được góp sức mình với các văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh làm cho sản phẩm tinh thần này ngày càng hay hơn, được nhiều người đón nhận hơn”- bà Tâm cho biết.

Ngay từ khi thành lập, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đã thu hút rất đông cộng tác viên và thường xuyên tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật
Đến nay, với hơn 200 số được xuất bản, mỗi số 1.000 cuốn, mỗi cuốn 84 trang, tạp chí đã đăng tải hàng ngàn tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa cùng với đó là các bài nghiên cứu, cảm nhận, bình phẩm văn học, nghệ thuật, các bài chính luận, xã luận về nhiều vấn đề trong đời sống xã hội… Với sứ mệnh của mình, tạp chí hiện đã thành lập được Hội đồng biên tập gồm những nhà nghiên cứu chuyên sâu, tay nghề sáng tác giàu kinh nghiệm cùng thẩm định, biên tập các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Tạp chí cũng đã xây dựng được đội ngũ hơn 100 cộng tác viên là những văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo và cả những lãnh đạo của các cơ quan đơn vị, trong và ngoài tỉnh… Điều này cho thấy tạp chí có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng hơi thở cuộc sống qua từng tác phẩm. Thông qua tạp chí, độc giả có thể cảm nhận được sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của vùng đất và con người Bình Phước.

Tập san Văn hóa thông tin tỉnh Bình Phước, tiền thân của Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Phước ngày nay
Ông Phạm Hiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Phước cho biết: “Tạp chí là diễn đàn, nơi tập hợp, đoàn kết, tiếng nói của văn nghệ sĩ Bình Phước. Tạp chí tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh vùng đất, con người Bình Phước. Với những thông tin trên tạp chí, chúng tôi mong muốn sẽ làm đầy thêm, giàu thêm hình ảnh về quê hương, con người Bình Phước ngày một phát triển”.
Tạp chí không chỉ là một ấn phẩm đơn thuần, mà là phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất, con người Bình Phước. Với những đặc trưng riêng về văn hóa, truyền thống, con người Bình Phước, đây là nguồn cảm hứng vô tận mà Hội đồng biên tập tạp chí luôn định hướng sáng tác cho các tác giả cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ, cộng tác viên.

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước Phạm Hiến (bìa phải) trao đổi cùng các cộng tác viên
Ông Nguyễn Duy Hiến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cộng tác viên Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Phước, chia sẻ: “Tạp chí đã không ngừng phát triển về phong trang, chất lượng và nội dung. Văn nghệ sĩ rất cảm ơn Ban biên tập đã thường xuyên định hướng những bài viết thiết thực về vùng đất và con người Bình Phước. Tỉnh Bình Phước giàu truyền thống cách mạng, cần cù trong lao động, thủy chung với bạn bè trong nước và các dân tộc anh em. Bình Phước là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa, các dân tộc 3 miền. Văn nghệ sĩ Bình Phước, cộng tác viên của tạp chí phải không ngừng học hỏi, trau dồi đạo đức. Đó là niềm tin để làm nên những tác phẩm hay, thiết thực và phải không ngừng sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, đáp ứng nhu cầu của độc giả”.

Lãnh đạo Hội Nhà báo, Hội Văn học nghệ thuật và đại diện thư ký các chi hội chụp hình lưu niệm tại Đại hội Chi hội nhà báo Tạp chí Văn nghệ lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2022
Trong xu hướng báo chí hiện nay, tạp chí đã đổi mới, thích ứng linh hoạt bằng việc mở rộng thêm các kênh truyền thông để tiếp cận độc giả và hướng tới xây dựng Tạp chí Văn nghệ điện tử để kết nối, giao lưu với bạn đọc. Cùng với đó tạp chí cũng đã mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục mới để ghi lại sự chuyển mình của vùng đất và con người Bình Phước qua từng trang viết, bức ảnh, câu thơ, ký họa... Qua đó tạp chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, góp phần viết nên một diện mạo văn hóa riêng biệt, sống động cho vùng đất giàu tiềm năng và đầy tự hào Bình Phước.
“Để hòa mình vào công cuộc đổi mới báo chí nói chung, tạp chí phải làm hai nhiệm vụ rất cơ bản là xây dựng - trưởng thành và truyền cảm hứng. Xây dựng - trưởng thành là thường xuyên đổi mới và làm mới tạp chí. Trong quá trình đó phải đào tạo, phải chuyên nghiệp, từ đó mới có tác phẩm sắc sảo, được độc giả đón nhận. Tạp chí phải khẳng định được vai trò của mình trong truyền cảm hứng. Các tác phẩm phải được làm mềm đi để dễ nghe, dễ hiểu, dễ thẩm thấu vào tâm tư, tình cảm của bạn đọc”.
Ông PHẠM HIẾN, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ tỉnh Bình Phước
Từ khi thành lập đến nay, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước đã làm tốt vai trò khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, lan tỏa cảm hứng, nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng văn nghệ sĩ Bình Phước. Với nền tảng vững chắc, tinh thần yêu nghệ thuật, tạp chí đã làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân và là phương tiện quan trọng trong công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của Bình Phước, đưa văn hóa Bình Phước đến gần hơn với độc giả cả nước.