Tạp chí Việt Nam đầu tiên có chỉ số ảnh hưởng lọt top 25% thế giới
Tạp chí Vật liệu và Linh kiện tiên tiến là tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam lọt vào top 25% uy tín thế giới trong lĩnh vực khoa học vật liệu.
Ngày 29/6, Cơ sở dữ liệu Web of Science đã công bố chỉ số ảnh hưởng năm 2020 cho kết quả năm 2019. Theo đó, Tạp chí khoa học Vật liệu và Linh kiện tiên tiến (JSAMD) của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt được chỉ số ảnh hưởng IF = 3,783.
Như vậy, đây là lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới lĩnh vực khoa học vật liệu.
Lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam lọt vào top 25% tạp chí uy tín
Theo GS. TS Nguyễn Hữu Đức - người sáng lập JSAMD, tính đến đầu tháng 6/2020, theo xếp hạng của Scimago 2020 thì JSAMD tiếp tục duy trì nhóm Q1 với 3 nhóm lĩnh vực.
Cụ thể, lĩnh vực Khoa học Vật liệu lọt trong top 18%; Vật liệu từ, điện và quang trong top 15%; Vật liệu composite trong top 19%. Riêng lĩnh vực Vật liệu sinh học còn ở nhóm Q2, trong top 38%.
Trước đó, vào cuối tháng 12 năm ngoái, JSAMD cũng được xét chọn để chính thức có mặt trong danh mục chỉ số trích dẫn khoa học SCIE. Cho đến nay, đây là tạp chí khoa học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được lọt vào danh mục SCIE uy tín.
JSAMD tập trung công bố các công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực vật liệu và linh kiện tiên tiến bao gồm: vật liệu sinh học, vật liệu xanh, vật liệu năng lượng, siêu vật liệu biến hóa, vật liệu nano và composite, các vật liệu thông minh, vật liệu từ, vật liệu điện môi, vật liệu bán dẫn, vật liệu siêu dẫn, linh kiện và ứng dụng...
"Đây là lĩnh vực thế mạnh và ưu tiên của ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung", GS.TS Nguyễn Hữu Đức đánh giá.
JSAMD xuất bản 4 kỳ/năm, mỗi kỳ dày khoảng 120 trang với Hội đồng biên tập gồm 31 nhà khoa học uy tín, trong đó có 23 nhà khoa học nước ngoài. JSAMD ra số đầu tiên vào tháng 3/2016 và đã được đưa vào hệ thống danh mục Web of Science và Scopus. Tạp chí được phát hành trên hệ thống Science Direct của Nhà xuất bản Elsevier.
Liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, theo số liệu của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT), các trường đại học Việt Nam đang đóng góp tới 85% số công bố quốc tế của cả nước với 6.549 trong tổng số 7.705 bài (công bố ISI năm 2019).
GS Nguyễn Hữu Đức cho rằng chúng ta không chỉ quan tâm đến việc xuất bản các phát minh, sáng chế khoa học và công nghệ mà việc công bố các kết quả nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng vô cùng cần thiết. Việt Nam phải có diễn đàn và các ấn phẩm khoa học có tầm ảnh hưởng rộng lớn và chủ động trong lĩnh vực này.
- Chỉ số IF là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản gần đây trên tạp chí đó, dựa vào các thống kê của các tạp chí nằm trong danh mục Journal Citation Reports (Báo cáo Trích dẫn Journal - JCR). Đây có thể coi là một chỉ số quan trọng mà các nhà khoa học chấp nhận nó để đánh giá uy tín của một tạp chí.
Hiện nay, có khoảng trên 12.800 tạp chí được nằm trong danh sách của danh sách JCR và có chỉ số IF.
- SCIE là cơ sở dữ liệu bao gồm hơn 9.200 tạp chí khoa học và công nghệ uy tín hàng đầu thế giới với 178 chuyên ngành, hơn 53 triệu bài báo và gần 2 tỉ tài liệu tham khảo có từ năm 1900 đến nay. Hiện nay Thomson Reuters là chủ sở hữu của danh mục này.
- SCImago là tổ chức xếp hạng các cơ sở nghiên cứu khoa học của Tây Ban Nha. SIR (bảng xếp hạng nghiên cứu khoa học) do SCImago phát triển là một hệ thống xếp hạng năng lực nghiên cứu khoa học của các trường đại học hoặc các cơ quan có chức năng nghiên cứu trên toàn thế giới, với chủ đích cung cấp các chỉ số đo lường thông tin thư mục liên quan đến số lượng và chất lượng các ấn bản khoa học của mỗi đơn vị được công bố và thống kê trong cơ sở dữ liệu Scopus.