Tạp chí Y học danh tiếng Lancet ảnh hưởng uy tín vì hydroxychloroquine

Từng được ca ngợi là một phương thuốc kỳ diệu chữa bệnh COVID-19, loại thuốc sốt rét có tên là hydroxychloroquine hiếm khi thoát khỏi tâm điểm dư luận kể từ thời điểm bắt đầu đại dịch.

Thông tin xung quang lợi ích, tác hại của loại thuốc này vẫn đang nhiễu loạn. Ảnh: AP

Mọi người hy vọng loại thuốc này có thể tạo ra một công dụng mới trong liệu pháp điều trị cho các bệnh nhân mắc chủng virus Corona mới.

Nhưng trong thời gian qua, nhiều tranh luận khoa học cho rằng phương pháp điều trị này dường như không giúp ích gì cho bệnh nhân, và thậm chí còn có thể gây hại.

Giờ đây khi thắc mắc loại thuốc này có tác dụng hay không đã rõ ràng: là không. Nhưng khi đề cập tới tác hại, hóa ra những tài liệu khoa học cũng có thể sai lệch.

Vào ngày 4/6, Tạp chí Y học danh tiếng Lancet, đã đính chính lại một bài báo gây chú ý vừa được đăng một tháng trước đó.

Bài báo này đã gợi ra rằng hydroxychloroquine và loại tương tự, như chloroquine, thực tế đã làm tăng tỷ lệ tử vong tại các bệnh viện khi thuốc được sử dụng trên bệnh nhân mắc Covid-19.

Sự kiện này đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải tạm dừng các thử nghiệm đối với loại thuốc này.

Đồng thời cũng gây ra mối quan ngại lớn cho bệnh nhân và cả những người tham gia vào các thử nghiệm tương tự khác. Nhưng đến cuối tháng Năm, các nhà khoa học bắt đầu hoài nghi về độ tin cậy của dữ liệu đã được sử dụng.

Tạp chí Y khoa The New England đã đính chính lại một bài báo khác đánh giá về các loại thuốc huyết áp trong việc chữa trị Covid-19, mà cũng dựa trên dữ liệu từ cùng một công ty cung cấp bộ dữ liệu cho bài báo của Lancet – công ty Surgisphere.

Công ty Surgisphere có trụ sở tại Chicago đã chỉ ra rằng có 671 bệnh viện trên 6 châu lục đã cung cấp dữ liệu cho bài báo của Lancet. Bộ dữ liệu này được cho là chứa tới gần 100.000 hồ sơ bệnh án chi tiết.

Vào ngày 2/6, Lancet cho biết một cuộc kiểm tra độc lập với dữ liệu trên đã được tiến hành, và đánh giá rằng “những vấn đề khoa học nghiêm trọng” đã được đưa vào tầm ngắm.

Biên tập viên của Tạp chí Y khoa The New England cũng bày tỏ sự quan ngại tương tự, và cho biết các tác giả đã được yêu cầu cung cấp bằng chứng chứng minh dữ liệu của mình là đáng tin cậy.

The Economist đã liên lạc được với công ty Surgisphere để phỏng vấn nhưng bất thành. Toàn bộ nội dung trên trang web của công ty đã bị xóa.

Thế mà, trang web của công ty lại trình bày rằng sứ mệnh của họ là khai thác sức mạnh của việc phân tích dữ liệu nhằm “cải thiện cuộc sống của nhiều người nhất có thể”.

Công ty cũng cho biết họ đã sử dụng máy học, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để trao quyền cho các bệnh viện để đưa ra quyết định tốt hơn.

Ngày 8/6, tạp chí học thuật hàng đầu Science đã ngỏ lời với các tác giả của bài báo trên để lấy lời bình, nhưng họ không phản hồi.

Nhìn nhận sâu rộng hơn, nhiều người đang tự hỏi điều gì có thể trở nên sai phạm nghiêm trọng tới mức dẫn đến việc đính chính hai bài báo của các tạp chí y học danh tiếng.

Có những lời kêu gọi Tạp chí Lancet công khai những bình luận họ nhận được về bài báo đó trong suốt quá trình bình duyệt.

Một điều trớ trêu của vụ việc lần này là những quan ngại về việc vội vàng đăng tải bài báo khoa học trong thời kỳ đại dịch lại bị thể hiện rõ lên các bản thảo. Tức là những bài báo được đăng trực tuyến mà không qua kiểm nghiệm độc lập.

Thậm chí khiến cho danh tiếng của hai tạp chí bình duyệt cũng rơi vào khốn đốn. Câu hỏi liệu sự cố này có làm thay đổi cân bằng quyền lực trong việc xuất bản các ấn phẩm khoa học vẫn còn bỏ ngỏ.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tap-chi-y-hoc-danh-tieng-lancet-anh-huong-uy-tin-vi-hydroxychloroquine-post84977.html