Tập cho con thói quen đọc sách từ nhỏ

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tạo thói quen đọc sách cho con trẻ từ nhỏ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, muốn như vậy thì các bậc phụ huynh phải thay đổi thói quen để làm gương cho con.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đọc sách tại phòng đọc của trường - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đọc sách tại phòng đọc của trường - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Mặc dù chỉ mới hơn 3 tuổi nhưng con gái của chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, có thói quen cùng ba mẹ đọc sách mỗi tối trước khi đi ngủ. Cháu có được thói quen này là bởi vợ chồng chị Nga bắt đầu đọc sách cho con nghe từ khi bé hơn 1 tuổi. “Vợ chồng tôi đều thích đọc sách. Trong thời gian mang thai, chúng tôi tìm hiểu và mua nhiều bộ sách giáo dục con nhỏ. Sau khi con ra đời, chồng tôi luôn dành thời gian để đọc sách cho con nghe mỗi tối.

Cứ như vậy, đã 3 năm nay chúng tôi thường xuyên đọc sách cùng nhau. Nay, tối nào con gái tôi cũng tự lấy sách ra xem hoặc đòi ba mẹ đọc cho nghe thì mới chịu đi ngủ. Số lượng sách của bé tăng dần theo thời gian. Mỗi khi gia đình đi du lịch hay về nhà ông bà nội, ngoại, con gái tôi luôn tự chọn cho mình những quyển sách mình thích để mang theo. Chúng tôi vui vì con yêu thích việc đọc sách”, chị Nga nói.

Quả thật, con gái chị Nga có vốn từ vựng khá phong phú, nói chuyện lưu loát, biết bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bé còn thuộc rất nhiều bài hát và hát đúng ca từ, nhịp điệu. Điều đáng khen là bé không thích xem ti vi và điện thoại nhiều. Khi được ba mẹ cho xem một số video về ca nhạc dành cho thiếu nhi hay phim hoạt hình thì bé chủ động tắt khi đã xem được vài tập chứ không hề đòi hỏi xem thêm như nhiều trẻ khác.

Khi được hỏi đâu là bí quyết giúp con có sở thích đọc sách, chị Nga chia sẻ: “Điều đầu tiên là ba mẹ phải làm gương. Mình không thể cho con thứ mà mình không có. Nếu ba mẹ suốt ngày chăm chú xem điện thoại hoặc ti vi thì không thể bắt ép con đọc sách được. Vì trẻ là tấm gương phản chiếu những thói quen từ ba mẹ”.

Cũng như gia đình chị Nga, mặc dù công việc khá bận rộn nhưng vợ chồng anh Trần Minh Tân ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, luôn dành thời gian để đọc sách cùng con. 2 người con trai của vợ chồng anh Tân hiện đang học lớp 6 và lớp 3 được ba mẹ duy trì thói quen đọc sách từ khi còn học mẫu giáo đến nay.

“Ban đầu, các con tôi dễ mất tập trung trong khoảng thời gian đọc sách. Tuy nhiên, sau vài tuần các cháu nằm yên bên cạnh để nghe tôi đọc sách mỗi tối. Các cháu thường xuyên đặt câu hỏi trong khi đọc sách. Mỗi lần như vậy, tôi luôn kiên nhẫn vừa đọc, vừa giải thích để con hiểu. Cùng với việc đọc hiểu, các con rèn luyện được tính kỷ luật, độ tập trung và khả năng ghi nhớ khi đọc sách.

Đối với những quyển được tôi đọc từ 3 lần trở lên, các cháu đều nhớ hết nội dung. Với những quyển sách các cháu yêu thích thì sẽ đọc lại nhiều lần. Điều này giúp các con coi đọc sách như là niềm vui chứ không phải nhiệm vụ. Nay, các con tôi thường chọn sách thay cho các trò giải trí khác như chơi game, xem ti vi hay điện thoại”, anh Tân cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, đọc sách cho trẻ từ 2 - 5 tuổi có rất nhiều lợi ích. Trong đó, có thể kể đến một số lợi ích nhãn tiền như giúp thắt chặt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái; hình thành thái độ tích cực đối với việc học nói chung. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các học sinh được làm quen với việc đọc sách trước 4 tuổi có thành tích học tập tốt hơn trong tất cả các môn ở cấp tiểu học.

Khi ba mẹ dành thời gian đọc sách cho con, trẻ sẽ bộc lộ bản thân dễ dàng và đối xử với mọi người một cách lành mạnh hơn. Xem cách giao tiếp của các nhân vật trong câu chuyện, cũng như qua tiếp xúc với ba mẹ trong thời gian đọc sách, bé sẽ học được các kỹ năng giao tiếp quý giá. Ngoài ra, đọc sách giúp trẻ hình thành tư duy logic.

Một minh chứng khác về giá trị của đọc sách đối với trẻ là giúp bé nắm bắt các khái niệm trừu tượng, suy nghĩ theo logic ở những tình huống khác nhau, nhận biết nguyên nhân - kết quả và học cách đánh giá sự việc. Khi bé bắt đầu biết liên hệ những câu chuyện trong sách với các tình huống diễn ra trong thế giới của mình, bé càng trở nên hào hứng với những gì ba mẹ muốn chia sẻ từ cuốn sách.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sách dành cho con trẻ, mỗi lứa tuổi sẽ có những đầu sách khác nhau. Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu, nghiên cứu để mua những loại sách phù hợp độ tuổi, giới tính của con. Một điều quan trọng đã được nhắc ở trên, đó là ba mẹ phải làm gương nếu muốn tạo lập thói quen đọc sách cho con.

Các bậc phụ huynh nên dành thời gian đọc sách cùng con thay vì cầm điện thoại thông minh hay xem ti vi quá nhiều khi ở cạnh con. Một khi thấy ba mẹ yêu thích việc đọc sách thì con trẻ sẽ chủ động làm theo mà không cần phải bắt ép. Khi đã hình thành thói quen, việc đọc sách đối với trẻ như là một niềm vui được thực hiện mỗi ngày.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/tap-cho-con-thoi-quen-doc-sach-tu-nho/179333.htm