Tập đoàn bất động sản China Evergrande lỗ 81 tỉ đô la trong hai năm
China Evergrande Group, tập đoàn bất động sản nợ lớn nhất Trung Quốc, ghi nhận lỗ tổng cộng 81 tỉ đô la trong hai năm tài chính gần nhất.
Trong báo cáo nộp cho Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông hôm 17-7, Evergrande cho biết lỗ tổng cộng 81 tỉ đô la trong năm 2021 và 2022. Cụ thể, vào năm ngoái, Evergrande lỗ 105,9 tỉ nhân dân tệ (14,8 tỉ đô la) sau khi lỗ 476 tỉ nhân dân tệ (66,3 tỉ đô la) trong năm trước đó.
Doanh thu của Evergrande giảm một nửa vào năm 2021, xuống còn khoảng 250 tỉ nhân dân tệ, trước khi giảm thêm vào năm ngoái, còn 230 tỉ nhân dân tệ. Dù khoản lỗ trong năm ngoái giảm đáng kể so với năm 2021, nhưng cho thấy sự đảo ngược mạnh mẽ so với khoản lãi gần 8 tỉ nhân dân tệ mà Evergrande ghi nhận vào năm 2020.
Kết quả kinh doanh bết bát cho thấy Evergrande đã phải vật lộn như thế nào trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở làm rung chuyển nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Bắc Kinh hạn chế các nhà phát triển và người dân hạn chế vay mua nhà.
Trong khi đó, khối nợ của nhà phát triển bất động sản có trụ sở ở Quảng Châu tăng vọt, với tổng nợ phải trả lên tới 2,58 nghìn tỉ nhân dân tệ vào cuối năm 2021, tương đương gần 360 tỉ đô la. Con số đó đã giảm nhẹ xuống còn 2,44 nghìn tỉ nhân dân tệ vào tháng 12 năm ngoái.
Kết quả kinh doanh trên giúp các trái chủ ở nước ngoài của Evergrande có thêm thông tin để phân tích khi họ xem xét đề xuất tái cấu trúc nợ của tập đoàn này. Theo đó, Evergrande đưa ra cho các trái chủ hai sự lựa chọn: chuyển đổi thành trái phiếu mới với kỳ hạn dài 5-12 năm, và chuyển đổi thành khoản đầu tư cổ phần ở Evergrande Property Services, đơn vị dịch vụ quản lý tài sản và Evergrande New Energy Vehicle, đơn vị sản xuất xe điện của tập đoàn này.
Evergrande dự kiến triệu tập các cuộc họp vào ngày 24 và 25-7 tới với nhiều nhóm chủ nợ khác nhau. Hồi tháng 4, Evergrande tiết lộ các nhà đầu tư nắm giữ 77% trái phiếu loại A ủng hộ kế hoạch tái cấu trúc nợ, trong khi chỉ 30% người nắm giữ loại C tán thành.
Theo hai nhà phân tích Daniel Fan và Adrian Sim của Bloomberg Intelligence, Evergrande có thể tiến gần hơn đến việc nối lại giao dịch cổ phiếu ở Hồng Kông sau khi báo cáo kết quả kinh doanh và kế hoạch tái cơ cấu nợ có khả năng được phê duyệt. Họ cho rằng Evergrande đang đứng trước áp lực đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ do tính đến cuối năm ngoái, lượng tiền mặt của tập đoàn chỉ còn 4,3 tỉ nhân dân tệ so với khoản nợ ngắn hạn khoảng 587 tỉ nhân dân tệ.
Những khó khăn của Evergrande đã trở thành biểu tượng cho cuộc khủng hoảng lĩnh vực nhà ở chưa tìm ra lối thoát của Trung Quốc. Trong tháng 6, giá nhà mới xây ở Trung Quốc bắt đầu giảm trở lại lần đầu tiên trong năm nay, cho thấy nhu cầu của khách hàng suy giảm.
Kết quả tài chính của Evergrande được kiểm toán bởi Prism, một công ty kiểm toán nhỏ có trụ sở ở Sydney. Tuy nhiên, Prism từ chối đưa ra ý kiến đối với các báo cáo tài chính của Evergrande vì không thể thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ và phù hợp
Ivan Li, nhà quản lý quỹ của Loyal Wealth Management ở Thượng Hải, nhận định: “Việc tái cấu trúc nợ không nhất thiết dẫn đến sự hồi sinh của Evergrande. Tập đoàn này cần có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ các hoạt động”.
Evergrande cũng đang đối mặt với 1.519 vụ tranh chấp pháp lý và tụng liên quan đến tổng số tiền 395 tỉ nhân dân tệ tính đến cuối tháng 12.
Việc tái cấu trúc thành công là yếu tố sống còn với Evergrande vì tập đoàn này có thể bị hủy niêm yết ở Hồng Kông nếu thời gian đình chỉ giao dịch kéo dài 18 tháng.
Evergrande là “nạn nhân” chính của cuộc chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh đối với thị trường bất động sản sau khi giới hoạch chính sách đưa ra chính sách “ba lằn ranh đỏ” để giảm đòn bẩy tài chính của các nhà phát triển bất động sản.
Kể từ cuối năm 2021, Evergrande đã phải chật vật hoàn thành các dự án và trả nợ cho các nhà cung cấp cũng như chủ nợ.
Doanh số bán nhà theo hợp đồng của Evergrande đã giảm xuống còn 31,7 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, từ mức 723 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020. Tính đến cuối tháng 12 -2022, tập đoàn có tổng cộng 1.241 dự án ở các giai đoạn xây dựng và hoàn thiện khác nhau.
Hôm 17-7, Fu Linghui, người phát ngôn của Cục Thống kê quốc gia, Trung Quốc nói rằng, thị trường bất động sản của đất nước sẽ trở lại đúng quỹ đạo sau khi chiến dịch giảm đòn bẩy đối với một số nhà phát triển gánh nợ nần lớn kết thúc.
Theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan, tính đến cuối năm ngoái, khoảng 50 nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc đã vỡ nợ đối với một số lô trái phiếu nước ngoài trị giá tổng cộng 100 tỉ đô la Mỹ trong hai năm qua. 39 nhà phát triển bất động sản trong số này đang tìm cách đạt thỏa thuận tái cấu trúc với các chủ nợ cho khoản nợ 117 tỉ đô la.
Theo Bloomberg, SCMP