Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC phát triển mỏ dầu khí lớn ở Biển Đông
Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) mới đây cho biết, hãng đã bắt đầu khai thác dầu thô từ cụm mỏ Liuhua 16-2 tại khu vực đông Biển Đông, dự kiến sẽ đạt sản lượng cao nhất khoảng 72.800 thùng/ngày vào năm 2022.
Trong khuôn khổ dự án, CNOOC đang lên kế hoạch đưa vào sản xuất và phát triển tổng cộng 26 giếng thông qua hệ thống kho chứa và sản xuất nổi (Floating Production Storage And Offloading - FPSO) và 3 hệ thống sản xuất dưới nước (underwater production systems).
Tính đến cuối năm 2019, tổng trữ lượng đã được chứng minh của CNOOC tại khu vực đông Biển Đông là 633,9 triệu thùng dầu quy đổi (chiếm 12,2% tổng trữ lượng của CNOOC), sản lượng trung bình đạt 242.026 thùng dầu quy đổi/ngày (chiếm 17,4% sản lượng của CNOOC). Trong nửa đầu năm 2020, CNOOC cho biết đã phát hiện ra trữ lượng dầu khí đáng kể ở khu vực đông Biển Đông, thuộc bể trầm tích Sông Châu Giang với sản lượng dầu trong quá trình gọi dòng thử vỉa đạt 2.020 thùng/ngày và 435.000 m3 khí/ngày. CNOOC kỳ vọng, phát hiện mới sẽ trở thành mỏ dầu và condensate có quy mô trung bình và lớn đầu tiên ở khu vực nước nông thuộc bể trầm tích Sông Châu Giang.
Việc đưa cụm mỏ Liuhua 16-2 vào khai thác có thể nằm trong kế hoạch tham vọng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sản xuất dầu thô và khí đốt trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Tập đoàn CNOOC do chính quyền nước này kiểm soát là một trong những đơn vị có nhiệm vụ tìm kiếm và khai thác các nguồn trữ lượng trong nước ngay cả khi khủng hoảng giá dầu buộc các công ty khai thác dầu của Trung Quốc phải cắt giảm chi tiêu vốn trong năm nay.
Theo trang Nghiên cứu Biển Đông của Học viện Ngoại giao Việt Nam, Biển Đông còn gọi là biển Nam Trung Hoa theo tên tiếng Anh (The South China Sea) và tiếng Pháp là Mer de Chine Méridionale, là một biển rìa Tây Thái Bình Dương.
Theo quy định của Ủy ban Quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi là biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, địa danh biển không có ý nghĩa về mặt chủ quyền như một số người ngộ nhận.
Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển được xác định và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như một danh từ riêng.
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.
http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/504-bien-ong-ia-chien-lc-va-tiem-nng