Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với UBND tỉnh
Chiều 8/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với UBND tỉnh về việc phối hợp trong công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện và tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC); lãnh đạo Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia; đại diện các Ban EVN; lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng của tỉnh; đại diện Công ty Điện lực Hà Nam và cán bộ chủ chốt các huyện, thị xã, thành phố.
Chiều 8/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm việc với UBND tỉnh về việc phối hợp trong công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện và tình hình cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC); lãnh đạo Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia; đại diện các Ban EVN; lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng của tỉnh; đại diện Công ty Điện lực Hà Nam và cán bộ chủ chốt các huyện, thị xã, thành phố.
Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hà Nam, công suất sử dụng điện giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trung bình 15,5%/năm; giai đoạn năm 2020-2022 công suất tăng cao nhất tăng 8,88%/năm.Trong 8 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng lớn nhất (Pmax) của tỉnh Hà Nam đạt 678 MW (lúc 14h00 ngày 27/7) tăng 4,3% so với cùng kỳ 2022. Về sản lượng điện thương phẩm, giai đoạn 2016- 2020 tăng trưởng bình quân 13,05%/năm, trong đó Công nghiệp – Xây dựng chiếm khoảng 80%. Giai đoạn 2021- 2022, tăng trưởng bình quân 6,37%/năm. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, điện thương phẩm đạt 2.613,71 tr.kWh tăng trưởng 2,82% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,67% so với kế hoạch NPC giao. Dự kiến điện thương phẩm năm 2023 đạt 3.980 tr.kWh tăng 4,33% so với năm 2022.
Trong các năm vừa qua, EVNNPC luôn bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kịp thời thực hiện đầu tư lưới điện, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, việc cung ứng điện vẫn gặp khó khăn. Đặc biệt, trong các tháng 5 - 6/2023 vừa qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời phụ tải miền Bắc tăng cao đột biến do nền nhiệt tăng, đã phải thực hiện tiết giảm/điều chỉnh công suất phụ tải. Với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành trong tỉnh, công tác phối hợp DR phụ tải, điều tiết công suất; công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đã được triển khai kịp thời, góp phần đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống điện Quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Hồng Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã chung tay cùng với EVN tiết kiệm điện trong thời điểm khó khăn về nguồn cấp điện. Dự báo trong năm 2024 – 2025, ảnh hưởng của thời tiết và nhu cầu của phụ tải tăng cao, việc cấp điện sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm chia sẻ những khó khăn cùng với EVN. Đồng thời, tỉnh cũng vào cuộc hỗ trợ ngành điện giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án đầu tư lưới điện trên địa bàn.
Thay mặt Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, đồng chí Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV EVNNPC nhấn mạnh: Về cơ bản lưới điện 110kV khu vực Hà Nam trong thời gian qua đảm bảo cấp điện cho các phụ tải các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh. Tuy nhiên, với nhu cầu công suất tăng cao trong thời gian tới, EVNNPC tiếp tục quan tâm nâng cấp đường dây lưới điện 110kV bảo đảm đồng bộ giữa công suất máy biến áp và dây dẫn. Đối với lưới điện trung, hạ áp, EVNNPC cũng đã đầu tư phục vụ kịp thời nhu cầu của khách hàng sản xuất và kinh doanh. Tại Hà Nam, thời gian mất điện trung bình trên khách hàng vẫn cao nên ngành điện tiếp tục tính đến đầu tư mạch kép, mất điện lộ này có lộ khác cấp điện cho khách hàng. EVNNPC cũng đề nghị tỉnh Hà Nam quan tâm giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư của ngành điện để các dự án được triển khai theo kế hoạch.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: Theo dự kiến tại quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tỉnh Hà Nam thành lập mới 14 KCN với tổng diện tích 4.250 ha. Nhiều KCN đang trong quá trình triển khai đầu tư đã đăng ký nhu cầu sử dụng công suất giai đoạn 2023-2025, nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đề nghị EVN quan tâm hỗ trợ.
Về kiến nghị của EVN, trước hết đối với các dự án thuộc xuất tuyến 500 KV, tỉnh sẽ phối hợp nhanh chóng giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với vị trí xây dựng TBA, đường dây 220 kV, 110 KV tỉnh đề nghị ngành điện chỉ đạo đơn vị tư vấn đưa ra những vị trí cụ thể xây dựng TBA, đường dây để tỉnh bổ sung quy hoạch tỉnh trong thời gian tháng 9/2023. Làm được như vậy khi thu hồi giải phóng mặt bằng sẽ nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư.
Đối với đường dây lưới điện cao thế, ngành điện tính toán đi dọc các kênh mương, bảo đảm cho phù hợp với quy hoạch và không gian ở các địa phương. Về lưới điện hạ áp, tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ ngành điện đẩy nhanh tiến độ thi công giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án xây dựng TBA, đường dây. Về giải quyết các công việc cụ thể, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương thường xuyên phối hợp với ngành điện, vướng mắc báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh để có hướng giải quyết nhanh nhất.