Tập đoàn Hà Đô (HDG): Đang chờ thời điểm 'bung' loạt dự án điện mới

Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG) nhận định nhu cầu điện năng nhằm đáp ứng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới là rất lớn, cùng với các chính sách thúc đẩy phát triển nguồn điện gần đây của Chính phủ đang tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp năng lượng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE) vừa qua đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 26/4. Một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm nhất là triển vọng kinh doanh mảng năng lượng thời gian tới.

Chia sẻ với cổ đông, ông Lê Xuân Long - Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hướng tới tăng trưởng GDP ở mức 2 con số trong vòng 5 năm tới, đặc biệt tập trung phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, trí thông minh nhận tạo, trung tâm dữ liệu…, nhu cầu về điện sẽ rất lớn.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nguồn điện. Điển hình, Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt với sự tăng mạnh công suất nguồn điện tái tạo. Những yếu tố này sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có vững chắc về tài chính, kinh nghiệm.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hà Đô.

Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hà Đô.

Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô nhấn mạnh tập đoàn đã có những quỹ đất chuẩn bị từ 5 - 7 năm trước cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và các dự án này đã được vào Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh). Hiện tập đoàn đang chờ đợi thời điểm thuận lợi để “bung” các dự án này.

Cập nhật thông tin về tiến độ gỡ vướng tại các dự án điện mặt trời, ông Lê Xuân Long cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, bao gồm Dự án Điện mặt trời Hồng Phong 4 (48 MW) tại tỉnh Bình Thuận của tập đoàn (bị tạm dừng thanh toán tiền điện từ tháng 8/2023). Tại Dự án Điện gió 7A (50 MW) tại tỉnh Ninh Thuận, về cơ bản đã loại bỏ điều khoản cắt giảm công suất vào cuối năm 2024.

"Hiện các dự án này đã được phê duyệt bổ sung trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Tập đoàn đang trích lập dự phòng cho khoản này. Đây là bối cảnh chung khi cả nước có 172 dự án bị ảnh hưởng về giá FIT. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp cơ quan chức năng để sớm tháo gỡ vướng mắc", Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô thông tin.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết đã hoàn thành phê duyệt hạn mức tín dụng tại Ngân hàng VietinBank và Ngân hàng BIDV, đảm bảo nguồn cho nộp tiền sử dụng đất và chuẩn bị nguồn đầu tư các dự án mới. Tập đoàn cũng đã đàm phán giảm phí bảo lãnh tín dụng xuất khẩu Dự án Điện gió 7A (từ 1,5% xuống 1%) và biên lãi suất dự án Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 4 (từ 2,8% xuống 2,2%), giúp tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng của dự án.

Thông tin thêm đến cổ đông về triển vọng lĩnh vực thủy điện, ông Lê Xuân Long cho biết, dự kiến quy hoạch đến năm 2030, công suất thủy điện trên toàn quốc vào khoảng 33.000 MW, nhưng công suất hiện tại đã rơi vào khoảng 30.000 MW. Do đó, dư địa để phát triển thủy điện về "cơ bản gần hết".

Để triển khai đầu tư các dự án thủy điện nhỏ thì hiệu quả cũng không được cao, bởi hiện nay giá thành của thủy điện rất thấp. Do đó, dự kiến doanh thu, lợi nhuận của mảng nay trong năm 2025 cũng sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái, Chủ tịch Tập đoàn Hà Đô cho biết.

Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay của Tập đoàn Hà Đô với mục tiêu doanh thu hợp nhất ở mức 2.936 tỷ đồng, tăng 8% và lãi sau thuế 1.057 tỷ đồng, tăng hơn 136% so với mức thực hiện của năm 2024.

Cổ đông Tập đoàn Hà Đô cũng thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% vốn điều lệ và dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2025 ở mức 15% vốn điều lệ.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tap-doan-ha-do--hdg-dang-cho-thoi-diem--bung--loat-du-an-dien-moi-139895.htm