Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Kỳ vọng giá tôn mạ sẽ tạo đáy trong quý 3
Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) đã có tín hiệu tăng cường tích trữ hàng tồn kho trong quý 2/2024 với kỳ vọng giá tôn mạ sẽ tạo đáy và phục hồi trong nửa cuối năm.
Lũy kế nửa đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) đạt 790.747 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên chủ yếu đến từ việc Tập đoàn Hoa Sen đã đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tôn mạ, với tổng sản lượng xuất khẩu tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023.
Bóc tách dữ liệu cho thấy, mặc dù giá vốn hàng bán của Tập đoàn Hoa Sen trong quý 2/2024 đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái do gia tăng sản xuất và chi phí vận chuyển tăng, việc doanh thu phục hồi cùng với các khoản lãi khác cùng giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào rẻ đã hỗ trợ biên lợi nhuận của tập đoàn này tăng thêm 2 điểm phần trăm so với quý 2/2023.
Bên cạnh đó, so với quý 2/2023, lãi từ hoạt động tài chính của Tập đoàn Hoa Sen trong quý 2/2024 tăng 141%, chủ yếu đến từ việc lãi chuyển đổi tỷ giá hối đoái tăng gấp 2,5 lần. Doanh thu tài chính tăng mạnh khi tỷ giá USD/VND neo cao. Hiệu ứng này được kỳ vọng sẽ duy trì cho đến cuối năm nay trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến chỉ giảm 0,25% lãi suất lần đầu tiên vào cuối quý 3/2024.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen đã đạt mức dương trở lại sau mức âm kỷ lục 2.739 tỷ đồng trong quý 1/2024 do việc tăng cường vay nợ ngắn hạn để tích trữ hàng tồn kho cho hoạt động xuất khẩu trong quý 2/2024.
Tập đoàn này đang có xu hướng tích trữ hàng tồn kho giá rẻ do kỳ vọng giá tôn mạ phục hồi trong quý tới, biểu hiện bằng chỉ số ngày tồn kho bình quân tăng lên 122 ngày vào quý 2/2024, so với mức tồn kho trung bình năm 2023 là 87 ngày.
Tuy nhiên, việc dòng tiền hoạt động kinh doanh đã đảo chiều cho thấy Tập đoàn Hoa Sen đang quản lý vốn lưu động tốt hơn, giúp giảm thiểu rủi ro khi tích trữ hàng hóa.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán DSC, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen sẽ tiếp tục duy trì ở mức tích cực trong nửa cuối năm nay khi tập đoàn này đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ bán hàng để kích cầu nội địa.
Đồng thời, sau khi giá tôn mạ trên thị trường nội địa trong quý 2/2024 đã giảm khoảng 9% so với quý 1/2024, giá mặt hàng này được kỳ vọng sẽ tạo đáy trong quý 3/2024 và hồi phục nhẹ trong quý 4/2024 nhờ việc thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, biểu hiện ở việc tiêu thụ tôn trên cả 3 miền đang tăng trưởng đồng đều, theo Chứng khoán DSC.
Tuy nhiên, Chứng khoán DSC cũng lưu ý, giá tôn mạ tại Việt Nam trong nửa cuối năm nay khó có thể bứt phá so với năm 2023 trong bối cảnh giá thép tại Trung Quốc đang phá đáy 2 năm do nhu cầu nội địa thấp, và sản phẩm tôn mạ không được ứng dụng đa dạng như thép trong hoạt động xây dựng. Mặc dù vậy, giá tôn mạ tại Việt Nam có thể biến động với biên độ thấp hơn khi các biện pháp chống bán phá giá có thể được đẩy nhanh trong tình hình hiện tại.
Trong trung hạn, Tập đoàn Hoa Sen đối mặt với rủi ro khi Việt Nam có thể áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm thép HRC từ Ấn Độ và Trung Quốc, khiến biên lợi nhuận của tập đoàn giảm.