Thận trọng với nhịp hồi

Thị trường tuần qua có 3 phiên tăng điểm, nhưng so với cuối tuần trước đó có mức tăng không đáng kể.

VN-Index giằng co

Chỉ số VN-Index tuần qua giao dịch giằng co trong khoảng 1.250 - 1.260 điểm, với thanh khoản giảm nhẹ, cho thấy lực cầu bắt đáy xuất hiện khi chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, trong khi áp lực bán cạn kiệt. Nhóm ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ quan trọng, được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý III/2024 khả quan và kỳ vọng tăng vốn của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Ngoài ra, một số cổ phiếu vốn hóa vừa phục hồi từ vùng giá thấp, góp phần duy trì mức tăng nhẹ.

Dù áp lực tỷ giá đã giảm, tâm lý thị trường vẫn thận trọng với nhịp hồi kỹ thuật của VN-Index. Không loại trừ khả năng chỉ số sẽ kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, thậm chí điều chỉnh về vùng 1.180 - 1.200 điểm nếu lực cầu yếu.

Nhà đầu tư nên giữ sự cẩn trọng, xem xét tích lũy ở các nhóm cổ phiếu có tiềm năng và yếu tố cơ bản tốt, nhưng tránh giải ngân mạnh trong bối cảnh hiện tại. Chú ý giữ vững nguyên tắc quản lý rủi ro và duy trì tỷ trọng danh mục hợp lý để ứng phó với những biến động bất ngờ, trong bối cảnh dòng tiền vẫn còn hạn chế và xu hướng giảm có dấu hiệu tiếp tục chi phối.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế thăm dò ở các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh tích cực trong nhóm ngân hàng (MBB, VCB), thép (HPG), cảng biển (GMD, HAH), nhựa (BMP).

Ngành thép có động lực

Bộ Công thương đã gia hạn thêm 5 năm việc áp thuế chống bán phá giá tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến ngày 23/10/2029.

Trong bối cảnh hiện tại, ngành thép thế giới đang phục hồi, nhưng ảnh hưởng từ sự suy giảm nhu cầu của Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới đối với ngành thép Việt Nam vẫn hiện hữu. Theo đó, các sản phẩm thép giá rẻ đang tạo áp lực cạnh tranh mạnh lên thép Việt Nam.

Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, ngành thép Việt Nam có tiềm năng phục hồi mạnh nhờ thị trường bất động sản và đầu tư công. Theo CBRE, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ tăng cao, tạo ra nhu cầu lớn hơn đối với thép xây dựng. Cùng với đó, kế hoạch giải ngân đầu tư công năm nay tăng 12% so với năm trước, đạt khoảng 638.000 tỷ đồng, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu thép, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Do đó, việc gia hạn thuế chống bán phá giá tôn mạ và tôn màu có thể hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong việc cải thiện biên lợi nhuận ở thị trường trong nước. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ tôn mạ và ống thép đạt 5,86 triệu tấn, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng nội địa đạt hơn 3,2 triệu tấn (tăng 14,4%) và xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn (tăng 39,4%), nhờ nhu cầu phục hồi tại các thị trường lớn và giá thép cuộn cán nóng (HRC) ở EU, Bắc Mỹ cao hơn trong nước 150 - 250 USD/tấn.

Giá HRC trung bình tại Trung Quốc trong quý III/2024 là 470 USD/tấn, giảm 16% so với đầu năm nay do tồn kho lớn. Ngược lại, giá tôn mạ và ống thép chỉ giảm 4% so với đầu năm.

Các doanh nghiệp trong ngành đã thanh lý hàng tồn kho giá cao và tích trữ nguyên liệu giá rẻ, giúp lợi nhuận gộp trong hai quý đầu năm tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc các doanh nghiệp tôn mạ đang bước vào chu kỳ hàng tồn kho mới, biên lợi nhuận trong các quý tới có thể sẽ được cải thiện.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/than-trong-voi-nhip-hoi-post357243.html