Tập đoàn IUC niêm yết đường vòng qua VC7
Dù tiềm lực và quy mô vốn thấp hơn công ty liên kết là Tập đoàn IUC, nhưng Tập đoàn BGI (VC7 - HNX) vẫn quyết nâng tỷ lệ sở hữu tại IUC để đủ điều kiện hợp nhất kết quả kinh doanh.
Kết quả kinh doanh sẽ tăng đột biến
Cổ phiếu VC7 của Tập đoàn BGI được coi là “hiện tượng” của thị trường chứng khoán 2 tháng trở lại đây, sau nhịp tăng giá tới gần 200%, từ mức 7.000 đồng/cổ phần (phiên 4/5) lên mức 21.400 đồng phiên 12/6, trước khi hạ nhiệt và giao dịch quanh mức 18.000 đồng/cổ phần hiện nay.
Cổ phiếu VC7 có nhịp tăng mạnh như vậy được cho là do trong tháng 5, BGI công bố các tài liệu trước kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 19/6 với kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy tham vọng. Cụ thể, Tập đoàn lên kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 416,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 86,8 tỷ đồng, lần lượt vượt 27% và 572,5% so với thực hiện năm 2022.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của BGI cũng thông qua phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu hơn 48 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 480,4 tỷ đồng lên 960,9 tỷ đồng. Số tiền thu được dự kiến thực hiện Dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An, thuộc khu E - Khu đô thị mới An Vân Dương qua hình thức hợp tác đầu tư với IUC.
Mấu chốt để BGI tự tin đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023 còn đến từ việc Đại hội đồng cổ đông cũng thông qua kế hoạch tiếp tục mua cổ phần tại IUC để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%. Nếu hoàn tất kế hoạch này, kết quả kinh doanh trong thời gian tới của BGI nhiều khả năng sẽ có đột biến.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường hồi tháng 6/2021, ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch HĐQT BGI cho biết, tại các dự án ở Hòa Bình và Thừa Thiên Huế mà liên danh IUC và BGI đã được phê duyệt làm chủ đầu tư, tỷ lệ sở hữu của BGI là 30% và IUC là 70%. Khi BGI nắm trên 51% cổ phần và IUC sẽ trở thành công ty con, BGI sẽ được hợp nhất kết quả kinh doanh của IUC vào các báo cáo tài chính của mình.
Cá bé thâu tóm cá lớn
Kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu của BGI tại IUC được đưa ra từ năm 2021, nhưng chưa thực hiện được. BGI và IUC đều từng là thành viên trong hệ sinh thái Tổng công ty Vinaconex. Năm 2014, Vinaconex thoái vốn tại IUC và năm 2017 thoái vốn tại BGI. Thời điểm Vinaconex thoái vốn tại IUC, ông Hoàng Trọng Đức mua lại và sở hữu 99,55%, nhưng từ năm 2020 đến 2022 đã nhượng lại 39,47% cổ phần cho BGI.
Được biết, IUC có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sàn giao dịch bất động sản, với các dự án của Vinaconex, Vimeco, Vinaconex 1, Vinaconex 3, BGI... Hiện IUC là chủ đầu tư của một loạt dự án, trong đó có Khu A và Khu E Khu đô thị mới An Vân Dương (Huế), nhưng tất cả các tên thương mại đều lấy BGI. Nếu xét về quy mô, thì IUC có vốn điều lệ 750 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của BGI.
Có thể nói, với sự liên hệ chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh và cả vấn đề sở hữu giữa BGI và IUC, việc BGI dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu tại IUC lên 51% được gọi tên là hoạt động “niêm yết cửa sau”. Hoạt động này vốn không hiếm gặp trên thị trường chứng khoán, với việc ban lãnh đạo của các công ty đang niêm yết muốn nhận sáp nhập một công ty chưa niêm yết nào đó, thường là công ty thành viên, công ty liên kết mà cổ đông sở hữu là ban lãnh đạo, cổ đông lớn của công ty đang niêm yết.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của BGI cho thấy, tại ngày 31/12/2022, khoản đầu tư của BGI vào IUC có giá gốc là 296 tỷ đồng, giá trị ghi sổ xấp xỉ 296,5 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu tại IUC là 39,47%, có thể định giá vốn hóa của IUC là 750 tỷ đồng, bằng vốn điều lệ của IUC. Như vậy, để nâng tỷ lệ sở hữu của BGI tại IUC lên 51%, BGI phải chi ra khoảng 83 tỷ đồng nữa để mua lại 11% cổ phần IUC từ ông Hoàng Trọng Đức.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tap-doan-iuc-niem-yet-duong-vong-qua-vc7-d192966.html