Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa, nông dân 'khóc ròng'
Gần 2 tháng qua, nhiều hộ nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh An Giang tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (gọi tắt là Tập đoàn Lộc Trời) như ngồi trên đống lửa khi lúa đã bán đi, tiền chưa nhận được, nợ chi phí sản xuất của vụ Đông Xuân chưa trả thì gánh nặng của đợt xuống giống vụ Hè Thu lại đến…
Chiều 9/5, thông tin từ đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã thu mua lúa của bà con nông dân tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. Tính đến ngày 9/5, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ 159,4 tỷ đồng. Việc chậm trả tiền mua lúa cho nông dân do tập đoàn hiện chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Trong khi đó, tiền thanh toán của khách hàng quốc tế về chậm.
Năm 2024, các đối tác cũng khó trong hoạt động kinh doanh khi giá gạo biến động khiến công ty gặp khó về dòng tiền. Tập đoàn Lộc Trời đang từng bước trả nợ tiền mua lúa của nông dân, phấn đấu trả dứt điểm đến ngày 20/5/2024.
Theo nhiều hộ nông dân liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời trao đổi với PV Báo CAND, đây là lần thứ hai phía Lộc Trời hứa với người dân. Lần đầu, vào ngày 1/4, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký Thư ngỏ gửi đến các Liên hiệp Hợp tác xã, Hợp tác xã và các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất cùng Tập đoàn Lộc Trời, cam kết thanh toán toàn bộ tiền thu mua lúa vào trước ngày 26/4/2024.
Các hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất cùng Tập đoàn Lộc Trời cho rằng cách giải thích của Tập đoàn Lộc Trời là chưa quan tâm đến quyền lợi cũng như những khó khăn của người nông dân trồng lúa. Sau mỗi vụ mùa, người trồng lúa phải trang trải rất nhiều chi phí, đồng thời chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới. “Chúng tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ròng rã mấy tháng liền chỉ mong đến lúc lúa chín, bán lúa để thanh toán các chi phí, thì nay bị kéo dài gần 2 tháng, chúng tôi lâm cảnh “nợ chồng nợ”…”, nông dân Huỳnh Văn Thiện (ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) bức xúc.
Hiện, Tập đoàn Lộc Trời vẫn đang ghi nợ tiền mua lúa của anh Thiện với trên 700 triệu đồng.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đã có 56 hộ liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời với tổng diện tích lên đến 337,6ha. Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ tiền mua lúa của 35 hộ với khoảng 6 tỷ đồng.
Vụ Đông Xuân vừa rồi, nông dân Nguyễn Đinh Phương (ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) tham gia liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời 10 ha, giống lúa IR504. Sau khi lúa chín, thu hoạch bán lúa cho Tập đoàn Lộc Trời đến nay đã gần 2 tháng thế nhưng gần 500 triệu đồng tiền lúa vẫn đang bị ghi nợ, chưa thanh toán.
Còn nông dân Huỳnh Sơn Đông (ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) rơi vào cảnh “trăm bề khổ”, khi phải thuê đất để sản xuất lúa. “Gia đình tôi thuê 5,8 ha đất, tham gia liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời, với giá thuê 32 triệu đồng/ha/năm. Thường thì thu hoạch xong vụ lúa, tôi mới thanh toán tiền thuê đất và các chi phí khác. Vụ vừa rồi, ruộng lúa nhà tôi thu hoạch được trên 50 tấn bán cho Tập đoàn Lộc Trời, nay phía Lộc Trời vẫn còn ghi nợ gần 450 triệu đồng”, anh Đông, chia sẻ.
Theo anh Phương, anh Đông cũng như các hộ nông dân đang bị Tập đoàn Lộc Trời nợ tiền mua lúa thì phía Lộc Trời cũng có thiện chí khi tính lãi suất tiền nợ và cam kết cung cấp vật tư nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp cho nông dân sản xuất vụ Hè Thu theo hình thức cấn trừ trực tiếp vào tiền lúa sau khi thu hoạch. Thế nhưng, việc Tập đoàn Lộc Trời bội tín lần 1 và hứa tiếp lần 2, đến nay đã gần 2 tháng, khiến nhiều kế hoạch trong năm của các hộ nông dân bị phá sản, số phần trăm lãi được tính cũng không thể bù được.
Các hộ nông dân liên kết sản xuất lúa với Tập đoàn Lộc Trời mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nếu có vi phạm cam kết giữa Tập đoàn Lộc Trời và nông dân để việc liên kết sản xuất lúa được tiếp tục lâu dài, mang lại lợi ích hài hòa giữa các bên.