Tập đoàn lớn trong vòng xoáy lừa đảo online - Bài 5: Cứu mình trước khi… trời cứu
Không thể phủ nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng khi liên tục phá nhiều vụ, nhiều đường dây lừa đảo online. Nhưng vẫn vang vọng tiếng kêu cứu bởi những chiêu lừa cũ, cho thấy người dân và doanh nghiệp phải tự 'cứu mình' trước.
Các tổ chức, đối tượng lừa đảo đang nhắm vào các tổ chức tài chính - ngân hàng, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước để lừa đảo bằng nhiều hình thức, như giả mạo website, kêu gọi đầu tưdự án của tập đoàn, giả mạo nhân viên doanh nghiệp để dụ dẫn. Điều này nếu không có giải pháp quyết liệt, thì không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Chặn 3.170 website, phát động chiến dịch nhận diện lừa đảo
Theo thống kê từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), lũy kế đến tháng 6/2024, đơn vị này đã ngăn chặn 3.170 website lừa đảo trực tuyến, tương ứng với việc bảo vệ gần 11 triệu người dân khỏi các website lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Không chỉ chặn website lừa, thường xuyên cập nhật các thủ đoạn lừa đảo khắp cả nước và cảnh báo trên mạng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mới đây, Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Tập đoàn Meta (chủ sở hữu mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, được thành lập bởi Mark Zuckerberg - Mỹ) phát động chiến dịch “Nhận diện lừa đảo”. Chiến dịch này lần đầu tiên được phát động tại Việt Nam nhằm chia sẻ tới cộng đồng người dùng mạng xã hội các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến.
Chiến dịch truyền thông “Nhận diện lừa đảo” sẽ tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là điểm nóng tại Việt Nam bao gồm: lừa đảo đầu tư; lừa đảo việc làm; lừa đảo tài chính; lừa đảo cho vay; lừa đảo sổ xố; lừa đảo mạo danh. Hàng loạt hình ảnh và video ngắn về cách nhận diện và xử lý lừa đảo trực tuyến được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của Meta và Cục An toàn thông tin cũng như trên website Tư Duy thời đại số của Meta.
Đặc biệt, chiến dịch có sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng tại Việt Nam, nhằm lan tỏa những bí kíp hay và dễ nhớ để ai cũng có thể học theo và bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lừa đảo trên môi trường mạng.
“Đánh mạnh” mua bán tài khoản ngân hàng
Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, chuyên gia an minh mạng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, để lừa lấy được tiền của người Việt, hầu hết các đối tượng lừa đảo online trong và ngoài nước đều phải sử dụng tài khoản ngân hàng trong nước, do người trong nước đứng tên để nhận tiền. Vì vậy, các tổ chức lừa đảo thường lập ra đường dây chuyên mua bán tài khoản ngân hàng từ sinh viên, người dân.
CẢNH GIÁC TRƯỚC LỪA ĐẢO “LẤY LẠI TIỀN BỊ LỪA”
Theo Cục An toàn thông tin, người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” đang tràn lan trên mạng xã hội. Các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ, rồi chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác.
Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Điển hình, mới đây nhất, đầu tháng 8/2024, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tây Ninh thông tin, đã phát hiện băng nhóm do Phạm Văn Nghĩa và Nguyễn Phú Yên (ngụ tại tỉnh Tây Ninh) mua hàng trăm tài khoản ngân hàng từ nhiều người dân trên địa bàn huyện Bến Cầu giao cho các đối tượng lừa đảo và rửa tiền tại Campuchia, hưởng lợi số tiền hàng tỷ đồng, trực tiếp tiếp tay cho hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Các băng nhóm lừa đảo tại Campuchia sau khi chiếm đoạt tiền từ bị hại thực hiện rửa tiền bằng cách thuê mướn lao động người Việt Nam sang Campuchia trực tiếp thực hiện chuyển khoản nhanh qua nhiều tài khoản ngân hàng, sau đó chuyển khoản mua tiền điện tử USDT để xóa dấu vết. Tổng số tiền vi phạm pháp luật được giao dịch mua bán USDT do nhóm trên thực hiện tương đương hơn 25.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm đầu tháng 8/2024, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp xử phạt hành chính 13 người, đồng thời khởi tố 10 bị can. Theo điều tra, các đối tượng đã kêu gọi thu mua tài khoản ngân hàng của nhiều người dân, chủ yếu là học sinh, sinh viên, với giá từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng rồi bán cho đối tượng khác.
Trước đó, tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản tới tất cả UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp ngăn chặn hoạt động mua, bán tài khoản ngân hàng. Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế, cùng với phản ánh từ Bộ Công an cho thấy, thời gian qua trên địa bàn một số tỉnh, thành phố có những người dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, rồi chuyển lại cho những người này sử dụng.
Các tài khoản này sau đó thường được sử dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố… Do tài khoản ngân hàng để nhận tiền là “chìa khóa” của tội phạm online, nên không ngẫu nhiên mà quy định hiện nay đã cấm mua, bán, thuê, cho thuê, mượn thẻ ngân hàng.
Và cũng không bỗng nhiên Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 2345/QĐ-NHNN quy định từ ngày 1/7/2024, khi người dùng chuyển khoản online trên 10 triệu đồng, sẽ phải xác thực khuôn mặt mới có thể thực hiện được lệnh chuyển tiền. Theo các chuyên gia, đây được xem là biện pháp giúp hạn chế việc mua bán hay cho thuê tài khoản ngân hàng hiện nay, là công cụ phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết các tài khoản ngân hàng “rác”.
Nhưng vẫn “vang rền” tiếng kêu cứu
Thời gian gần đây, cơ quan công an, biên phòng... đã nỗ lực phá hàng loạt vụ lừa đảo online, thậm chí chặn bắt ngay từ biên giới băng nhóm lừa “thò chân” vào Việt Nam.
Điển hình nhất, mới đây, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp bắt giữ 8 đối tượng thuộc đường dây tổ chức và môi giới đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam nhằm thiết lập các đường dây sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, nhóm đối tượng được môi giới “chui” vào Việt Nam có quốc tịch Trung Quốc, được huấn luyện, đào tạo bài bản về các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao tại khu vực Tam giác vàng.
Một điển hình nữa là vụ bà Nguyễn Thị Giang Hương (cựu Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị lừa đảo hơn 171 tỷ đồng. Mới đây, Cơ quan Công an Đồng Nai đã khởi tố bắt 12 đối tượng người Việt Nam bởi sử dụng căn cước công dân giả đăng ký mở tài khoản, rồi bán cho các nhóm đối tượng lừa đảo người nước ngoài. Theo điều tra, chủ mưu cầm đầu trong vụ lừa đảo là người nước ngoài, ở Campuchia, đã sử dụng 109 tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà Nguyễn Thị Giang Hương.
Tuy nhiên, Cục An toàn thông tin cho rằng, dù cơ quan chức năng và các đơn vị truyền thông, báo chí trên cả nước liên tục cảnh báo, song số nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến vẫn có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của chúng tôi, hầu hết các nạn nhân bị lừa đảo online kêu cứu tới Báo Đầu tư, cũng như tới cơ quan chức năng từ đầu năm 2023 tới nay, đều chưa lấy lại được tiền.
Đáng nói nữa, trong hàng loạt đơn thư kêu cứu mới đây gửi tới nhóm Dự án Chống lừa đảo của Ngô Minh Hiếu và tới Báo Đầu tư, vẫn quá nhiều người bị lừa bởi những thủ đoạn quá cũ kỹ, từng được cảnh báo từ nhiều năm trước.
Chẳng hạn, quá “choáng” trước lời gọi chào đầu tư rằng, nếu đầu tư số tiền 100 triệu đồng, sẽ được tặng 100%, tức tài khoản sẽ là 200 triệu đồng và sẽ có lợi nhuận tương đương… 1,6 tỷ đồng, nạn nhân N.T.Nữ đã vét sạch cả tiền của gia đình mang đi… chuyển khoản. “Số tiền trên 500 triệu đồng đó là số tiền để nuôi sống gia đình em. Nhưng do sự ngu ngốc và không hiểu biết, nên em bị lừa mất hết rồi. Em cầu mong anh cứu dùm em lấy lại số tiền này”, N.T.Nữ tức tưởi.
Nạn nhân khác là N.M.Tài uất nghẹn: “Em nghe theo một người bạn nước ngoài quen trên mạng, bị dụ dỗ đầu tư tiền ảo. Em vừa mất 4 tỷ đồng. Anh có thể giúp em điều tra và thu hồi phần nào không. Số tiền trên em đã dành dụm bấy lâu nay mới được”.
Các nạn nhân ngay sau khi biết mình bị lừa đã liên hệ với ngân hàng yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản, hoặc chặn việc giao dịch. Nhưng kẻ lừa đảo thường tầu tán tiền “siêu tốc”, tức chỉ vài phút tiền vào tài khoản đã “bốc hơi” sang nhiều tài khoản khác. Khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, thì mới biết, những tài khoản ngân hàng đó đều là những tài khoản được mua, thuê, ăn cắp thông tin cá nhân để làm giả. Trong khi đó, những “ông trùm” điều hành các đường dây lừa đảo qua mạng hầu hết ở nước ngoài.
Thế nên, người dân phải tự cứu mình trước!