Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sở hữu 'kho tiền mặt' hơn 20 nghìn tỷ đồng

Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu MSN tăng 4,23%, lên mức 74.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với những con số tăng trưởng tích cực.

Theo đó, trong quý vừa qua, Masan ghi nhận doanh thu thuần đạt 20.134 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 120% lên mức 946 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng vọt lên mức 503 tỷ đồng, tăng 378,6% và cao hơn con số 419 tỷ đồng của cả năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tiền và tương đương tiền tăng lên 21.977 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ so với số đầu năm nhờ dòng tiền tự do và dòng tiền đến từ các hoạt động tài chính của doanh nghiệp được cải thiện.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan

Dòng tiền tự do của Masan trong 12 tháng gần nhất tăng lên 7.429 tỷ đồng trong quý này, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 26/7, cổ phiếu MSN tăng 4,23%, lên mức 74.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của Tập đoàn Masan trên thị trường ước đạt 106.438 tỷ đồng.

Với mức tăng ấn tượng, MSN là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch hôm nay khi mang về cho chỉ số chính 1,08 điểm.

Cùng với MSN, FPT, BCM, CTG, PLX, MBB cũng là những trụ đỡ chính giúp Vn-Index phục hồi trong phiên giao dịch hôm nay.

Nhóm cổ phiếu của công ty chứng khoán cũng ghi nhận hồi phục với CSI bật tăng 8,8% lên 26.000 đồng/cp, theo sau là HAC tăng 6%, BMS tăng 3,5%), SBS (+3,4%),...

FPT chốt phiên sáng giảm 0,24% nhưng ngay khi bước vào phiên chiều đã bứt phá liên tục. FPT tăng gần như không nghỉ và đóng cửa ở mức đỉnh cao nhất phiên, tăng 2,4% so với tham chiếu.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi QCG và LDG tiếp tục bị bán tháo sau khi đón thông tin tiêu cực.

Kết quả phiên giao dịch ngày 26/7, VN-Index tăng 8,92 điểm (0,72%) lên 1.242,11 điểm, HNX-Index tăng 1,41 điểm (0,6%) đạt 236,66 điểm, UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (0,71%) đạt 95,18 điểm.

Thị trường lại ngập sắc xanh

Thanh khoản vẫn đứng ở mức cực thấp. Tổng giá trị giao dịch còn hơn 13,3 nghìn tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận 129 mã giảm giá, 284 mã tăng giá và 80 mã đứng giá tham chiếu.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, mặc dù VN-Index gãy trend tuần nhưng đóng cửa vẫn trên ngưỡng 1.240 điểm. Điều này đúng như kỳ vọng của một số công ty chứng khoán khi chỉ số bảo toàn vùng sideway 1.240 – 1.300 điểm.

Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2024 được nhận định sẽ có xu hướng đi lên, với bệ đỡ là triển vọng của kinh tế vĩ mô cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng của các doanh nghiệp. Đà phục hồi kinh tế trong nước đang có chiều hướng tích cực sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển

Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra dự báo, thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ tăng nhẹ. Nhà đầu tư ngoại sau thời gian rút vốn khỏi thị trường hồi đầu năm có thể quay lại mua ròng, tìm đến thị trường Việt Nam - nơi có định giá hấp dẫn và mức tăng chưa nhiều như các thị trường khác như Mỹ, châu Âu.

Nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng dài hạn như dịch vụ dầu khí, công nghệ, vận tải, bán lẻ. Đối với nhóm xuất khẩu, dù có triển vọng khả quan về đơn hàng nhưng thời gian gần đây, đơn hàng tại một số doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, nên cần theo dõi thêm.

Kì Lân

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/tap-doan-masan-cua-ty-phu-nguyen-dang-quang-so-huu-kho-tien-mat-hon-20-nghin-ty-dong-217768.html