Tập đoàn Mỹ muốn đầu tư điện gió ngoài khơi ở Lâm Đồng, Vĩnh Long
Pacifico Energy - một tập đoàn ở Mỹ đặt vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi tại Lâm Đồng, Vĩnh Long nhằm cụ thể hóa kế hoạch tiến sâu vào ngành năng lượng Việt Nam.
Công ty TNHH Pacifico Energy Việt Nam (pháp nhân thuộc Pacifico Energy tại Việt Nam) và Công ty CI GMF II COOPERATIEF U.A vừa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép giao khu vực biển để phục vụ đo đạc, thăm dò, nghiên cứu, khảo sát trên biển.
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải khó khăn do Sở Công thương tỉnh cho biết vấn đề hồ sơ giao khu vực biển không thuộc thẩm quyền.

Ông Nate Franklin, Chủ tịch Pacifico Energy cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành năng lượng của Việt Nam, bao gồm cả kế hoạch đầu tư nhiều tỷ USD vào điện gió ngoài khơi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đồng thời, đề nghị của nhà đầu tư còn đối diện trở ngại liên quan đến quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 4/2025.
Theo đó, quy hoạch chỉ phê duyệt dự án theo tên vùng, thay vì cụ thể tại địa phương. Cụ thể, quy hoạch xác định các dự án điện gió ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ (tổng công suất 4.300MW, gồm: Nam Trung Bộ 1.1 - 500MW, Nam Trung Bộ 1.2 - 500 MW, Nam Trung Bộ 1.3 – 500MW; Nam Trung Bộ 1.4 – 500MW; Nam Trung Bộ 2.1 - 500MW, Nam Trung Bộ 2.2 - 500MW; Nam Trung Bộ 3 – 1.300MW).
Động thái này diễn ra chỉ ít lâu sau khi Lâm Đồng sáp nhập với các tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông. Theo đó, dư địa phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Lâm Đồng (mới) được cộng hưởng tích cực từ tiềm năng phát triển điện gió biển, điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận - một trong những địa phương có tiềm năng gió tốt nhất tại Việt Nam, có điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng tuabin gió cố định và thu hút rất nhiều nhà đầu tư để ý suốt 5 năm qua.
Cùng thời gian, Công ty TNHH Pacifico Energy Việt Nam đặt vấn đề với tỉnh Vĩnh Long về đầu tư dự án điện gió gần bờ Bình Đại 3 công suất 100MW, trên tổng diện tích khoảng 1.600ha. Trước đó, tại địa phương này, Pacifico Energy đã gần cán đích cuối cùng ở dự án điện gió Sunpro 30MW và hoàn thành vận hành thương mại điện mặt trời Mũi Né 40MW.
Các động thái nêu trên cho thấy quyết tâm theo đuổi kế hoạch đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam nói chung và phân ngành điện gió biển của Pacifico Energy ấp ủ từ vài năm nay.
Thực tế, Pacifico Energy là tập đoàn Hoa Kỳ đầu tiên triển khai các dự án năng lượng tạo tại Việt Nam (bắt đầu từ năm 2017). Tới quý I năm nay, tập đoàn đặt kỳ vọng mở rộng đầu tư vào điện gió, đặc biệt là khu vực Bình Thuận (cũ) – nay là Lâm Đồng với tiềm năng gió được đánh giá là ổn định nhất khu vực châu Á.
Đồng thời, ông Nate Franklin, Chủ tịch Tập đoàn Pacifico Energy nhấn mạnh, bên cạnh cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khảo sát và đầu tư cho các dự án này, với nguồn lực và kinh nghiệm từ các dự án năng lượng tái tạo trước đây.
Đáng chú ý, khu vực biển mà tập đoàn này ‘ngắm’ tới cũng gặp cạnh tranh đáng kể khi Bộ Nông nghiệp và môi trường cho biết nhận được tới 18 đề xuất từ các nhà đầu tư khác.
Thực tế, điện gió ngoài khơi tại khu vực Bình Thuận đã lọt mắt xanh của nhiều ông lớn, thương hiệu mạnh trong và ngoài nước 3 - 4 năm nay nhưng chưa thể ngã ngũ và thành công lớn nhất chỉ dừng ở việc tỉnh xin bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia, hay xa hơn nữa là chờ Bộ Tài nguyên và môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và môi trường) lấy ý kiến các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Điển hình một số như: liên danh công ty CP Tập đoàn T&T – Tập đoàn Orsted (lên kế hoạch rót khoảng 30 tỷ USD phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 21GW), liên danh Công ty UPC Vietnam (Singapore) – Công ty CP Tập đoàn IPC và Công ty TNHH Việt Thắng, Tập đoàn Enterprize Energy, AMI AC Renewables (Philipppines).
Trong đó, một trường hợp đáng tiếc là Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đã chủ động rời cuộc chơi phát triển dự án sau nhiều năm mòn mỏi vì các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ dự án ĐGNK bị chậm trễ và không rõ ràng - để chuyển hướng vào đầu tư cho chuỗi cung ứng phụ trợ điện gió ngoài khơi.
Thậm chí, đã có lúc thị trường chứng kiến cảnh 3 thương hiệu lớn ‘so kè’ nhau trên biển do 3 dự án điện gió ngoài khơi trị giá hơn 32 tỷ USD chồng lấn một phần diện tích lên tới hơn 40.000ha. Dẫu vậy, 3 năm sau cuộc chiến ‘chồng lấn’ quy hoạch đó, ba nhà đầu tư Ørsted, HLP và Xuân Thiện đều biến mất trên bản đồ dự án điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận.