Tập đoàn Nhật phải bồi thường cho nạn nhân lao động cưỡng bức Hàn Quốc
Tòa án Daejeon (Hàn Quốc) đã ra phán quyết buộc Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd. (Nhật Bản) bán 2 bản quyền và 2 bằng sáng chế để bồi thường cho 2 nạn nhân lao động cưỡng bức.
Ngày 27/9, tòa án khu vực Daejeon, Hàn Quốc, đã ra phán quyết buộc Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd. (Nhật Bản) bán tài sản tại Hàn Quốc để bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Đây là lần đầu tiên một tòa án của Hàn Quốc ra phán quyết buộc một doanh nghiệp Nhật Bản bán tài sản trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của những nạn nhân lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiến tranh.
Theo phán quyết, Tòa án Daejeon yêu cầu Mitsubishi bán 2 bản quyền và 2 bằng sáng chế để bồi thường cho 2 nạn nhân nữ.
Phán quyết trên có thể giúp mỗi nạn nhân nhận được khoản bồi thường khoảng 209 triệu won (176.000 USD), bao gồm cả tiền lãi và tiền bồi thường chậm thanh toán.
Trước đó, hồi năm 2018, tòa án cũng đã buộc Mitsubishi đền bù cho các lao động. Tuy nhiên, Mitsubishi từ chối thực hiện, cho rằng những mâu thuẫn xung quanh vấn đề lao động cưỡng bức đã được giải quyết đầy đủ và dứt khoát trong hiệp ước mà Nhật Bản và Hàn Quốc ký kết năm 1965 để bình thường hóa quan hệ.
Hai nạn nhân sau đó đã đề nghị tòa án Daejeon tịch biên tài sản của Mitsubishi tại Hàn Quốc và được tòa án chấp thuận vào tháng 3/2019. Các nỗ lực phản đối của Mitsubishi sau đó lên tòa án Daejeon và Tòa tối cao Hàn Quốc đều thất bại.
Nhật Bản ngay lập tức lên tiếng phản đối phán quyết mới của tòa án Hàn Quốc. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng phán quyết của tòa án Hàn Quốc là "rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế" và "thật sự đáng tiếc."
Quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản kêu gọi tránh những tác động nghiêm trọng tới quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.
Vấn đề này vốn là nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa 2 quốc gia đều là đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á. Quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc trở nên căng thẳng hơn khi hai bên nảy sinh mâu thuẫn về các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào năm 2019 và đến nay 2 bên vẫn chưa tháo gỡ được bất đồng về vấn đề này./.