Tập đoàn Quế Lâm mở rộng các mô hình sản xuất hữu cơ tại Hà Tĩnh
Trong năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình cho nông dân, cán bộ phụ trách nông nghiệp.
Sáng 11/2, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn năm 2023 tại các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác với tập đoàn.
Tại hội nghị, cán bộ Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đã thông tin đến đại biểu về những thành công bước đầu của các mô hình tại Hà Tĩnh. Sau gần một năm triển khai, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả.
Theo đó, công ty đã tổ chức tọa đàm cho hơn 1.000 cán bộ và nông dân; thực hiện tham quan, học tập cho 10 lượt với 500 nông dân, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật về mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vụ xuân 2022, huyện Vũ Quang, đơn vị đầu tiên phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sản xuất 2 sào lúa giống DT 39 và sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ Quế Lâm. Kết quả cho thấy, lúa kháng được bệnh đạo ôn, năng suất khá. Vụ hè thu, bà con đã nhân rộng với diện tích 1,5 ha, năng suất 2,3 tạ/sào.
Đến thời điểm này, hơn 500 ha lúa tại Hà Tĩnh đã được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó, hơn 70 ha sản xuất theo hướng hữu cơ từ giống đến phân bón, quy trình chăm sóc. Đối với cây trồng có múi, công ty đã hợp tác sản xuất trên 600 gốc cam theo hướng hữu cơ. Kết quả cho thấy cam sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, chất đất đang được phục hồi.
Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cũng triển khai thành công 7 mô hình chăn nuôi lợn hữu cư an toàn sinh học. Đàn lợn phát triển tốt; các hộ chăn nuôi đều có vườn rau, chuối và trồng thảo mộc phục vụ chăm sóc và làm thức ăn cho vật nuôi. Doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng sản xuất chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô trang trại theo phương thức liên kết mở với quy mô 75 nái tại HTX chăn nuôi Quang Diệm (huyện Hương Sơn).
Trong năm qua, công ty đã hỗ trợ bước đầu cho 5 huyện với hơn 800 kg chế phẩm men vi sinh để xử lý phân chuồng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp tại vườn, tại nhà thành phân bón hữu cơ vi sinh.
Công ty xây dựng thành công 3 cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ thịt lợn cùng nhiều mặt hàng nông sản hữu cơ khác sản xuất trên địa bàn các huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.
Trong năm 2023, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục phối hợp tổ chức cho nông dân và cán bộ các huyện, thị xã tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thuộc hệ sinh thái Quế Lâm trên cả nước; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình làm kinh tế nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn,...
Tiếp tục mở rộng và xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn như mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ thêm khoảng 65 ha; phát triển hệ thống chăn nuôi lợn hữu cơ theo hướng tăng tổng đàn nái cơ bản lên 270 nái, sản xuất 5.40 lợn thịt hữu cơ; xây dựng một số mô hình sản xuất hữu cơ như: thanh long, chè móc câu, dưa hấu, ổi...
Cùng với đó, công ty đẩy mạnh công tác giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ; phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước giúp nông dân và HTX lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hữu cơ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, quy trình sản xuất hữu cơ hiệu quả, lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận hữu cơ...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm cho rằng các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Hà Tĩnh đang có sự phát triển tốt, bước đầu cho thấy hiệu quả.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm mong muốn UBND tỉnh và các huyện cần có sự đồng hành, hợp lực với các chính sách ưu tiên đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp hữu cơ. Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục đồng hành để xây dựng bền vững các mô hình; tổ chức cho nông dân và cán bộ tham quan, học tập các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thuộc hệ sinh thái Quế Lâm; đào tạo về kỹ thuật sản xuất hữu cơ… Công ty cũng tập trung phát triển chuỗi phân phối, thu mua sản phẩm cho nông dân các địa phương.