Tập đoàn Sao Mai (ASM) doanh thu xuất khẩu cá giảm gần 600 tỷ đồng, kinh doanh chứng khoán thua lỗ
Lợi nhuận Quý 2 của CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) sụt giảm 70%. Nhiều mảng kinh doanh đều giảm doanh thu 6 tháng đầu năm.
Lợi nhuận Quý 2 sụt giảm 70%, doanh thu xuất khẩu cá 6 tháng đầu năm giảm gần 600 tỷ đồng
Trong kỳ kinh doanh Quý 2/2023 vừa qua, Sao Mai Group mang về 3.254,9 tỷ đồng doanh thu, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó giá vốn hàng bán chiếm 2.867,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 387,5 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15,8% xuống chỉ còn 11,9%.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm nhẹ xuống mức 56,2 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại tăng tới 61,6%, từ 136,1 tỷ lên 220 tỷ đồng. Trong đó phần tăng thêm chủ yếu là chi phí lãi vay, tăng từ 102,1 tỷ lên tới 212,1 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày Sao Mai Group đang phải trả chi phí lãi vay là khoảng gần 2,4 tỷ đồng.
Bù lại, chi phí bán hàng giảm từ 140,4 tỷ xuống còn 36 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng từ 54,8 tỷ lên 69,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí và thuế, lãi sau thuế của ASM chỉ còn 118,5 tỷ đồng, giảm gần 70% so với cùng kỳ.
Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của Sao Mai Group đạt 6.305,3 tỷ đồng, giảm 12,7% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh cá xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất, từ 2.065,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.477,7 tỷ đồng, tương đương giảm gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Mảng kinh doanh bất động sản cũng giảm gần 3 lần, từ 158,3 tỷ xuống chỉ còn gần 57 tỷ đồng. Doanh thu thương mại và doanh thu thức ăn cho cá cũng đều giảm xuống lần lượt 1.475,9 tỷ và 2.782,9 tỷ đồng. Duy nhất chỉ có mảng điện năng lượng mặt trời có sự gia tăng về doanh thu, từ 307,8 tỷ lên 405,7 tỷ đồng.
Lũy kế lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Sao Mai Group chỉ ở mức 213,7 tỷ đồng, giảm 71,2%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính, đặc biệt là chi phí lãi vay đã tăng gấp đôi trong 6 tháng đầu năm, lên tới 403,6 tỷ đồng.
Nợ vay vượt vốn chủ gần 2.350 tỷ đồng, có 1.700 tỷ gửi ngân hàng nhưng vẫn tăng cường vay nợ
Tại cuối Quý 2, quy mô tài sản của ASM đạt 19.281,1 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt giảm từ 847,9 tỷ xuống còn 324,9 tỷ đồng. Trong khi lượng tiền gửi ngân hàng lại gia tăng từ 951,3 tỷ lên 1.700,8 tỷ đồng.
Lượng tiền gửi ngân hàng gia tăng trong khi ASM phải tăng cường vay nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho thấy sự mất cân đối về dòng tiền. Điều này có thể thấy rõ khi lãi tiền gửi và tiền cho vay 6 tháng đầu năm chỉ đạt 45,1 tỷ, giảm sâu 42,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm lại tăng từ 202,7 tỷ lên tới 403,6 tỷ đồng. Có thể thấy rằng ASM đang mang 1.700,8 tỷ đồng đi gửi ngân hàng rồi phải đi vay thêm tiền để kinh doanh và phải trả lượng chi phí lãi vay ngày càng tăng cao.
Sự gia tăng lượng nợ vay cũng được thể hiện rõ qua cơ cấu nguồn vốn của Sao Mai Group.
Nợ phải trả đang chiếm 11.501,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý đó là chỉ tiêu vay nợ ngắn hạn giảm từ 6.190,4 tỷ xuống còn 5.872,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ vay dài hạn lại tăng từ 3.630 tỷ lên 4.252,4 tỷ đồng. Tổng nợ vay của ASM là 10.125,3 tỷ đồng trong khi vốn chủ chỉ đạt 7.779,2 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nợ vay đã cao vượt vốn chủ gần 2.350 tỷ đồng.