Tập đoàn Thành Công bất ngờ bật mí việc đứng sau Chứng khoán DSC từ năm 2021
Tập đoàn Thành Công công bố thông tin CTCP Chứng khoán DSC (mã DSC - sàn UPCoM) nằm trong hệ sinh thái.
Cụ thể, ngày 18/7, Tập đoàn Thành Công (TC Group) chia sẻ thông tin Công ty cổ phần Chứng khoán DSC đã tham gia hệ sinh thái của Tập đoàn từ cuối năm 2021. Trong đó, theo danh sách Top 10 Công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất trong quý II/2023 trên sàn UPCoM, Chứng khoán DSC xếp thứ 4 với 6,43% thị phần. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Chứng khoán DSC xếp thứ 5 toàn sàn với 4,76% thị phần.
“Chứng khoán DSC tiếp tục từng bước khẳng định vị thế là mảnh ghép quan trọng ngành Tài chính – Ngân hàng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành của Tập đoàn Thành Công”, thông tin từ Tập đoàn Thành Công nhấn mạnh.
Được biết, ông Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1994) đang là Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán DSC, được bổ nhiệm từ năm 2021 tới nay.
Chứng khoán DSC liên tục tăng vốn sau khi có nhóm cổ đông cá nhân tham gia
Theo tìm hiểu, Chứng khoán DSC tiền thân là CTCP Chứng khoán Đà Nẵng. Cuối năm 2020, Công ty đổi chủ khi cổ đông lớn là CTCP Việt Nam Equity và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) thoái vốn. Thay vào đó là 3 cá nhân gồm ông Nguyễn Đức Anh, ông Tạ Văn Mạnh và bà Nguyễn Thị Thu Hà.
Được biết, thời điểm 31/3/2019, CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng sở hữu 10% vốn điều lệ tại Chứng khoán DSC, đồng thời Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng là Phó Chủ tịch HĐQT tại Chứng khoán DSC.
Điểm đáng lưu ý, ngày 7/12/2021, ông Nguyễn Quang Trung bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến việc chuyển nhượng nhà đất trước thời điểm CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng được cổ phần hóa.
Ngày 31/3/2023, Tòa án nhân dân TP. Đà Nẵng đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Quang Trung và các đồng phạm. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Trung bị tuyên mức án 5 năm tù; bị cáo Bùi Lê Duy (cựu thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Nhà Đà Nẵng) nhận mức án 3 năm tù; các đồng phạm khác nhận mức án từ 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù.
Quay trở lại sau động thái thoái vốn của CTCP Việt Nam Equity và CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng, tính tới tháng 3/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Chứng khoán Đà Nẵng thông qua đổi tên thành CTCP Chứng khoán DSC, đồng thời chuyển trụ sở chính về tòa Thành Công Building ở số 80 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đến tháng 8/2021, Chứng khoán DSC phát hành thành công 94 triệu cổ phiếu, tăng mạnh vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.
Chứng khoán DSC muốn chuyển sang HoSE và bán vốn cho cổ đông chiến lược
Một diễn biến đáng lưu ý khác, Chứng khoán DSC công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản lần 2, thời gian lấy ý kiến từ cổ đông đến trước ngày 12/9/2023.
Trong đó, Công ty trình cổ đông thông qua việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đối tượng và thời gian triển khai ủy quyền và giao cho Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, Công ty cũng trình cổ đông kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE, thời gian triển khai sẽ giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị.
Một diễn biến đáng lưu ý khác, ngày 4/7 là kết thúc đợt chào bán 5 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 5% vốn điều lệ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, kết thúc đợt chào bán, số lượng lao động thực hiện mua là 59, tương ứng 4.883.700 cổ phiếu và còn lại 116.300 cổ phiếu không chào bán hết.
Ngoài ra, đối với phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đang triển khai, Chứng khoán DSC đã thực hiện điều chỉnh thời gian đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu từ 7/6 – 30/6 sang thời gian từ 7/6 đến 12/7.
Được biết, từ ngày 30/6 đến 7/7, CTCP Đầu tư NTP, tổ chức liên quan Chủ tịch Nguyễn Đức Anh đăng ký thoái toàn bộ 70 triệu quyền mua cổ phiếu DSC với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (trước đó ngày 21/6, CTCP Đầu tư NTP đăng ký bán toàn bộ 70 triệu quyền mua cổ phiếu DSC mà không thành công).
Theo kế hoạch ban đầu, Chứng khoán DSC thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ chào bán 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Chứng khoán DSC sẽ tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán 1.000 tỷ đồng, Chứng khoán DSC dự kiến sẽ dùng 49%, tương ứng 490 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền cho vay ký quỹ (margin); 49,5% tổng số tiền (495 tỷ đồng) sẽ được dùng để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh; và còn lại 1,5% được sử dụng vào các mục đích như bổ sung vốn nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vốn cho việc cung cấp dịch vụ, bổ sung vốn cho các hoạt động hợp pháp khác.
Như vậy, giá chào bán 100 triệu cổ phiếu đang thấp hơn 55% so với giá thị trường đang giao dịch ngày 21/6 (22.200 đồng/cổ phiếu).
Được biết, tính tới cuối năm 2022, Chứng khoán DSC có hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Đầu tư NTP sở hữu 70% vốn điều lệ; cổ đông Văn Lê Hằng sở hữu 10,03% vốn điều lệ; và còn lại 19,97% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông sở hữu dưới 5% vốn điều lệ.
Như vậy, Công ty cổ phần Đầu tư NTP là cổ đông lớn, Công ty mẹ của Chứng khoán DSC nhưng lại không muốn thực hiện mua toàn bộ quyền mua, muốn bán ra bên ngoài.
Lợi nhuận quý đầu năm 2023 giảm 19%
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Chứng khoán DSC có doanh thu hoạt động hơn 67,4 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính kỳ này tăng tới 31%, lên hơn 26 tỷ đồng. Hệ quả, lãi sau thuế 3 tháng đầu năm giảm 19%, còn hơn 11 tỷ đồng.
Năm 2023, Chứng khoán DSC đặt mục tiêu tổng doanh thu 281 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 97 tỷ đồng, gấp gần 2,3 lần so với thực hiện năm 2022. Với kết quả lãi trước thuế hơn 14 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023, Công ty đã thực hiện hơn 14% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu DSC giảm 1.000 đồng về 24.400 đồng/cổ phiếu.